Phép thử từ thị trường
Sản lượng tăng mạnh, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 đã tác động xấu đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây có múi. Đặc biệt, hiện nay khi đang là mùa thu hoạch rộ cam, bưởi ở các tỉnh phía Bắc, không xuất khẩu được, cam bưởi ngập chợ, đầu làng, ngõ xóm ở đâu cũng thấy bán và giá thì giảm mạnh.
Sở hữu 2 ha đất đồi thuộc thôn Trại Vòng, xã Quang Sơn, trồng nhãn, vải không hiệu quả, 5 năm trước anh Nguyễn Trung Thành đã quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng bưởi. Anh Thành chia sẻ: Hai năm trước, cây mới cho quả bói, sản lượng ít, chủ yếu biếu anh em, bạn bè ăn thử.
Bước sang năm thứ 3 này, tưởng rằng có thu, ai ngờ đâu gặp ngay dịch COVID-19, cam bưởi từ Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang tràn về chất lượng tốt, giá rẻ. Trong khi đó bưởi nhà, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên quả tròn, quả méo, thậm chí có quả tép bị khô và ăn thì khá nhạt.
Thương lái tới xem nhưng chẳng ai mua. Gia đình đành phải tự mang ra chợ bán với giá rẻ bèo, chỉ 7-10 nghìn đồng/1 quả bưởi da xanh, bằng 1/3 so với năm trước. Đầu tư bao nhiêu vốn, giống, công chăm sóc, giờ lãi chẳng thấy đâu.
Cũng với khát vọng làm giàu bằng cây trồng mới, năm 2013, sau khi dồn đổi, có được 5 sào ruộng ngay sát khuôn viên nhà ở của gia đình, ông Trịnh Văn Bình (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) quyết định đầu tư lớn, một mặt đào ao thả cả, mặt khác mua đất san ruộng trồng bưởi Diễn.
Lúc bấy giờ, ông Bình tính toán: 1 quả bưởi Diễn có giá 25 nghìn đồng, mà 1 cây bưởi Diễn sau 4 năm trồng ít nhất cũng cho 20-30 quả, nhân với 50 cây như thế là đủ lãi to. Tuy nhiên, mọi chuyện lại nằm ngoài ý muốn của ông.
Đất mượn, chất đất xấu, mực nước ngầm cao đã khiến cho những cây bưởi của gia đình ông sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, một số cây bị vàng lá, thối rễ rồi chết. Các cây còn lại ra được quả thì lại bị nạn ruồi vàng phá hại, dùng bẫy bả diệt không xuể.
Ông Bình cho biết: "Sản lượng quả kém, chất lượng lại không được ngon nên việc tiêu thụ năm nay hết sức khó khăn. Gia đình đang tính nốt vụ này sẽ phải chặt bỏ bưởi để tìm cây trồng khác phù hợp hơn. Gần chục năm đầu tư, chăm sóc, kể cũng tiếc nhưng không còn cách nào khác".
Câu chuyện của anh Thành, ông Bình không phải là hãn hữu. Còn nhớ vài năm trước tại xã Đồng Phong, huyện Nho Quan cũng có khá nhiều hộ dân đưa cây chanh đào, cam canh vào trồng nhưng đến nay cơ bản các diện tích này đã bị xóa sổ, phần vì khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, phần vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Nói như vậy, không có nghĩa là ở Ninh Bình cứ trồng cam, trồng bưởi là sẽ thua lỗ. Thực tế, ở một số vùng như xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; xã Gia Hòa, Gia Hưng, huyện Gia Viễn; xã Gia Sơn, huyện Nho Quan…, nhiều nông dân đã giàu lên từ cây ăn quả có múi.
Chị Lê Thị Thiểm - một hộ dân trồng bưởi ở thôn 12, xã Đông Sơn nêu quan điểm: Dịch COVID-19 tạo ra một phép thử từ thị trường, những vườn quả nào không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, dù bán rẻ cũng không có người mua.
Ngược lại, với những sản phẩm chất lượng tốt thì giá vẫn giữ ổn định. Như vườn nhà tôi, năm nay có khoảng 20 tấn cam và 60 nghìn quả bưởi Diễn nhưng cũng không đủ để cung cấp ra thị trường và thương lái tự tìm đến mua.
Cần kiểm soát chặt theo quy hoạch
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, diện tích cây có múi ở các tỉnh miền Bắc trong 10 năm trở lại đây tăng chóng mặt theo cấp số nhân và hiện đạt khoảng 121.000 ha, chiếm 47,5% diện tích cây có múi của cả nước.
Ninh Bình, tuy không phải là tỉnh có lợi thế về cây có múi như Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang nhưng những năm qua diện tích cây có múi cũng tăng khá nhiều. Toàn tỉnh hiện có khoảng 433 ha cây ăn quả có múi, trong đó cam 38 ha, quýt 6 ha, chanh 123 ha, bưởi 266 ha.
Sự phát triển quá nóng của cây có múi trong khi việc tiêu thụ khối lượng sản phẩm khổng lồ này đều phụ thuộc vào thương lái và chủ vườn, ít có bàn tay của doanh nghiệp. Sản phẩm chủ yếu bán tươi, số lượng được chế biến sâu không đáng kể, nên ở thời điểm thu hoạch rộ, không tránh khỏi việc bị dồn ứ. Mấy năm gần đây, giá các sản phẩm cam, quýt, bưởi không còn hấp dẫn như những năm trước.
Hiện tượng có các hộ nông dân ở một số địa phương đang thua lỗ vì cây có múi là có thật. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến là: giống chất lượng thấp, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc không hợp lý. Nhiều vùng đất dốc, chân đất thấp, khó làm đường thoát nước, bà con vẫn cố trồng cây có múi, trong khi đó đây là đối tượng khó canh tác hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác.
Để phát triển cây ăn quả bền vững, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh) khuyến cáo: Các địa phương cần đẩy mạnh thông tin thị trường, gia tăng cảnh báo rủi ro để người dân không chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch chung.
Quản lý chặt quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng người dân trồng cây ăn quả có múi ở những vùng không đảm bảo yêu cầu về thổ nhưỡng. Với những diện tích cam, chanh, bưởi hiện hữu, cán bộ chuyên môn cần tăng cường xuống hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác phù hợp; áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại hiệu quả.
Thay đổi theo hướng sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những diện tích trồng mới bà con nên chọn bộ giống theo hướng rải vụ, chất lượng cao, ít hạt.
Về phía Chi cục, thời gian tới sẽ tăng cường đánh giá, kiểm soát chất lượng cây giống trên thị trường. Bên cạnh đó, có những nghiên cứu để chọn lọc tìm ra các bộ giống tốt, chống chịu được sâu bệnh và đảm bảo thâm canh để khuyến cáo đưa vào sản xuất, đồng thời đề ra những quy chuẩn trồng cây có múi phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Nguyễn Lựu