Thực tế những năm qua, do lợi ích kinh tế trước mắt, không ít người trong chuỗi hoạt động liên quan đến thực phẩm đã không chấp hành nghiêm, thậm chí cố tình vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất, bảo quản đến chế biến thực phẩm. Trong sản xuất, người trồng trọt thì vô tư phun các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, bón phân hóa học, tiêm thuốc kích thích cho quả chín, cho giá đỗ phát triển nhanh, hình thức đẹp.
Người chăn nuôi thì sử dụng thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc, dùng nhiều kháng sinh, bơm nước và tạp chất vào gia súc, gia cầm, thủy, hải sản.
Người chế biến thì dùng chất tạo màu, cồn công nghiệp, hàn the... cho vào đồ ăn, thức uống. Người buôn bán thì dùng hóa chất bảo quản cho hoa quả, bánh kẹo giữ được lâu không bị héo thối, không bị ẩm mốc, sâu mọt...
Tóm lại ở tất cả các khâu đều có nguy cơ bị lạm dụng các loại hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các hóa chất độc hại qua đường thực phẩm vào cơ thể con người sẽ bị tích lại trong gan, trong các mô mỡ, tủy sống... là tiền đề phát sinh một số loại bệnh như giảm trí nhớ, loãng xương, thoái hóa xương khớp, thậm chí là ung thư.
Ở Ninh Bình, những năm qua do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng nên nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên.
Hành động của người dân đã thể hiện tốt hơn ý thức trách nhiệm với cộng đồng về an toàn thực phẩm. Nhìn chung nhiều năm qua tỉnh ta chưa có vụ ngộ độc tập thể lớn.
Tuy nhiên, không thể nói vấn đề thực phẩm bẩn, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã được khắc phục. ở nhiều nơi, nông dân vẫn sử dụng quá nhiều và chưa đúng cách trong phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Vẫn còn những người vì lợi ích trước mắt mà dùng thuốc kích thích quả chín, bảo quản, chế biến thực phẩm; sử dụng thức ăn tăng trọng, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý không tin tưởng, không yên tâm đối với người tiêu dùng.
Để đảm bảo ngày càng tốt hơn sự an toàn và vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của mọi người và của toàn xã hội cả về nhận thức và hành động.
Nhân tháng hành động vệ sinh ATTP năm 2017 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn- kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc thực phẩm rượu", UBND tỉnh đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó giải quyết căn bản việc sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy hải sản).
Nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản), giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là tại các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau thịt, thủy hải sản; các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP, đồng thời biểu dương các đơn vị có thành tích tốt trong các hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP...
Đỗ Bằng