Thích là... khoan Tổ 18, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp, nước sinh hoạt không thiếu bởi hệ thống đường ống nước máy đã được đấu nối đến từng hộ gia đình. Thế nhưng không ít hộ dân vẫn bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng, lấy nước ngầm.
Đa phần các hộ dân này cho rằng khoan một cái giếng ban đầu tốn vài triệu nhưng dùng lâu dài thì tiết kiệm được rất nhiều tiền. "Nước máy chỉ dùng cho ăn uống còn nước giếng thì để tắm giặt, rửa nhà, làm mát, tưới cây… dùng thoải mái, ngày cả 5-7 khối nước mà không lo hết, cũng chẳng mất tiền", một người dân chia sẻ.
Trao đổi với một thợ khoan giếng trong khu vực, anh này cho biết: Trung bình 1 tháng, anh nhận được khoảng 3-4 hợp đồng khoan giếng tại các hộ gia đình. Tùy địa chất từng khu vực, chỗ thuận lợi chỉ khoan 3-4 ngày là có nước, còn chỗ nào khó thì 7 ngày, 10 ngày, thậm chí khoan chỗ này không được thì lại khoan chỗ khác.
Khi tôi hỏi trong quá trình khoan giếng mà gặp chỗ không có nước thì anh có phải lấp đi không? Làm nghề này có chứng chỉ hành nghề không? Và trong quá trình làm có thấy ai kiểm tra, quản lý gì không? thì tất cả các câu trả lời của anh mà tôi nhận được đều là "không".
Anh thợ khoan giếng này còn cho biết thêm, ở khu vực Tam Điệp có khoảng 10 chủ máy khoan giếng hoạt động như anh. Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động khoan giếng lấy nước ngầm ở đây hiện đang khá nhộn nhịp và số lượng giếng khoan không phải là ít.
Tìm hiểu tại các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh thì tình trạng người dân khoan giếng tràn lan cũng đang diễn ra tương tự như ở Tam Điệp và hầu hết các hộ dân đều cho rằng cần nước, có điều kiện thì khoan mà không biết rằng khoan giếng phải tuân thủ theo quy định.
"Bỏ quên" không quản lý
Theo Luật Tài nguyên nước, người dân muốn khoan giếng phải báo cáo và được sự đồng ý của UBND xã, phường; tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng phải được cấp giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng trên thực tế, hầu hết mạnh ai nấy làm, hoạt động tự do mà chưa thấy có cơ quan nào đứng ra quản lý.
Tìm hiểu tại Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh chỉ có một Công ty được UBND tỉnh cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, nhưng đã khá lâu rồi. Còn những năm trở lại đây, đơn vị này không thụ lý bộ hồ sơ xin cấp phép nào. Hiện trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng thì không nắm được.
Về phía chính quyền địa phương, ông Bùi Ngọc Kiên, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp cho rằng: điều khó khăn là Luật Tài nguyên nước quy định trường hợp khoan giếng ngầm dưới 10m3/ngày không cần phải xin phép mà chỉ đăng ký với chính quyền xã, phường.
Trong khi đó, luật chưa đưa ra chế tài xử lý đối với những trường hợp khoan giếng mà không đăng ký. Việc tịch thu phương tiện của các tổ chức, cá nhân thực hiện khoan giếng hiện cũng rất khó khăn, phức tạp. Những thợ khoan luôn di chuyển, rất ít cơ sở cố định, trong khi việc kiểm tra phải có đầy đủ thủ tục và đúng quy trình.
Do vậy từ trước đến nay, phường chưa xử phạt hành chính trường hợp nào, chỉ kiểm tra và đình chỉ với một vài trường hợp khoan giếng vi phạm chỉ giới đường đỏ. Còn về số lượng giếng khoan trên địa bàn thì phường cũng chưa có điều tra, thống kê cụ thể.
Theo TS Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nước ngầm không phải vô tận, khai thác, sử dụng nước ngầm mà không có sự quản lý sẽ không chỉ làm cạn kiệt mà còn thông tầng, sụt lún, gây ô nhiễm và nhiều hậu quả khác chưa lường hết.
Hơn nữa, những người hành nghề khoan giếng không phải cứ khoan đâu là có nước đó, những lỗ khoan không thấy nước, không được lấp đi chính là đường dẫn chất thải làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
Nước ngầm là quý giá, có tác động trực tiếp đến đời sống của con người, ấy vậy mà trước nay chúng ta đang "bỏ quên" không quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên ấy. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Do vậy. thời gian tới, ngành chức năng cần tham mưu với chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Tài nguyên nước, tầm quan trọng của nguồn nước ngầm cũng như những hệ lụy của việc khai thác tùy tiện đến người dân. Hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm bất kể là nước từ nguồn nào. Tập huấn kỹ thuật cho các tổ chức cá nhân việc trám lấp giếng không sử dụng đúng quy trình để hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Chính quyền cơ sở cần tăng cường giám sát hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về lâu dài, cần có chế tài mạnh mẽ trong xử phạt đối với khai thác nguồn nước ngầm trái phép hoặc áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm tại các khu vực đã có nguồn nước cấp đầy đủ.
Bài, ảnh: Hà Phương