Qua nghiên cứu Điều 5, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về "Người sử dụng đất" có quy định: "Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)".
Như vậy, theo quy định này, hộ gia đình là một chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tiễn ở cơ sở đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc tham gia các vụ án tranh chấp QSDĐ mà trên hồ sơ địa chính hoặc trên giấy chứng nhận QSDĐ có ghi chủ sử dụng đất là "Hộ gia đình" dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh như: Nhiều trường hợp không đủ căn cứ xác định tại thời điểm
Nhà nước giao đất, công nhận QSDĐ, giấy chứng nhận QSDĐ thì hộ gia đình có những nhân khẩu nào? Những nhân khẩu này có đóng góp vào việc hình thành nên QSDĐ hay chỉ đơn thuần là có tên trong hộ khẩu gia đình thì được xác lập QSDĐ theo hộ?
Theo tôi, việc ghi nhận QSDĐ cho hộ gia đình có thể phù hợp với văn hóa của Việt Nam, đề cao quan hệ gia đình, mang tính chất lịch sử. Tuy nhiên, về mặt pháp lý cần thiết phải làm rõ tại thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất, công nhận QSDĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì những ai trong hộ gia đình được ghi nhận là đồng chủ sử dụng đất? Và những người được ghi nhận là đồng chủ sử dụng đất phải có đóng góp nhất định vào việc hình thành nên QSDĐ hoặc phải được các nhân khẩu khác trong gia đình (những người có công sức tạo lập nên QSDĐ) đồng ý bằng văn bản.
BÙI VĂN MIỆN
(Xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan)