Ngược thời gian khoảng 3 năm về trước, không ít người dân ở Ninh Bình đã lao đao vì "tín dụng đen". Những bài học từ vỡ nợ tín dụng đen đã để lại nhiều câu chuyện đau lòng trong xã hội.
Thế nhưng thời gian gần đây tại tỉnh Ninh Bình xuất hiện các tờ rơi, biển hiệu quảng cáo, các trang mạng công khai các hình thức vay vốn "ngoài luồng".
Mặc dù các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn đang triển khai cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng nhưng thực tế thì tín dụng ngoài luồng vẫn có "đất sống" trong phân khúc này.
Tín dụng "ngoài luồng" là cụm từ thường dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan hữu quan nào. Thị trường này được hình thành từ một bên có nhu cầu cho vay vốn và một bên có nhu cầu vay vốn.
Do tín dụng "ngoài luồng" không chịu sự chi phối nào, nên lãi suất bao giờ cũng cao ngất ngưởng. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào sự tin tưởng, thỏa thuận giữa hai bên. Từ thành thị tới nông thôn, tín dụng "ngoài luồng" vẫn hàng ngày len lỏi trong đời sống xã hội.
Không khó để bắt gặp các biển quảng cáo và các tờ rơi với lời mời chào hấp dẫn: "vay vốn ngân hàng không thế chấp, không bảo lãnh" tại các trục đường lớn và len lỏi cả vào ngõ xóm, làng quê. Trên mạng Internet cũng không ít lời mời chào trực diện "vay vốn tín chấp ngân hàng tại Ninh Bình"…
Chỉ với từ khóa "ngân hàng cho vay tín chấp" hoặc "cho vay tín chấp" thì ngay lập tức trên công cụ tìm kiếm Google hiện ra hàng trăm kết quả liên quan đến các chương trình cho vay tín chấp tại ngân hàng, các công ty tài chính.
Tín dụng ngoài luồng tồn tại như một "giải pháp tài chính tức thì" cho những người có nhu cầu vay nóng vì một nguyên do bức bách nào đó. Anh N.M.Đ làm nghề buôn bán nhỏ tại thành phố Ninh Bình kể lại câu chuyện của mình: Tôi có việc gấp cần vay 100 triệu đồng trong vòng 1 năm để lấy vốn kinh doanh.
Nhưng khi tìm hiểu vay tại ngân hàng thì gặp rất nhiều trở ngại về thủ tục thế chấp, do đó qua một người bạn tôi đã tìm vay của một người có đăng số điện thoại trên tờ rơi "cho vay vốn ngân hàng không cần tài sản thế chấp". Khi tôi gọi điện hỏi thủ tục thì anh ta yêu cầu muốn vay phải có giấy tờ xác minh mình làm tại công ty nào đó và xác nhận mức lương.
Nếu công ty loại A sẽ được vay với mức lãi suất là 1,66%/tháng, nếu công ty loại B thì mức lãi suất sẽ là 2,1%/tháng. Kèm theo giấy xác nhận này là các bản hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân phô tô.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi về hình thức trả lãi anh N.M.Đ cho biết mức lãi suất được tính trên cơ sở dư nợ ban đầu trong vòng 12 tháng mặc dù hàng tháng vẫn phải cắt gốc với số tiền nhất định.
Theo một cán bộ tín dụng của ngân hàng, hiện nay hệ thống ngân hàng tính lãi trên cơ sở khấu trừ dư nợ hiện tại. Hình thức tính lãi trên cơ sở dư nợ ban đầu rất thiệt thòi cho khách hàng vay, chỉ có các cơ sở "tín dụng đen" mới áp dụng. Với hình thức tính này, một người vay 100 triệu trong vòng 12 tháng sẽ phải trả cả lãi lẫn gốc là 13.830 nghìn đồng/tháng và trong 1 năm cả lãi lẫn gốc khách hàng phải trả là 166 triệu đồng, vượt gần gấp đôi so với dư nợ ban đầu khách hàng cần vay.
Với hình thức vay tín dụng ngoài luồng như hiện nay rất đơn giản. Người vay chỉ cần có hóa đơn tiền điện hoặc 1 chứng từ như: xác nhận đơn vị công tác, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, không cần có tài sản thế chấp, không tốn phí xét duyệt hồ sơ, thủ tục đơn giản… chính ưu thế này đã giúp cho hình thức tín dụng này có đất sống trong xã hội.
Trong khi đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng rất tích cực trong việc cho vay tiêu dùng, vay dưới hình thức tín chấp nhưng do thủ tục pháp lý cặn kẽ nên đây chính là nguyên nhân để tín dụng ngoài luồng thắng thế trong phân khúc này.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện về tín dụng ngoài luồng trên các trang mạng như "vaytinchap24" và các tờ rơi, quảng cáo trong tỉnh, chúng tôi trong vai người cần vay tiền đã liên hệ với số điện thoại 0985549XXX. Ngay lập tức có một người tên T, xưng là cán bộ tín dụng của Ngân hàng thương mại VP…có địa chỉ tại Hà Nội. Anh T. cho biết, hiện ngân hàng chưa có trụ ở tại Ninh Bình mà chỉ có cán bộ tín dụng tại Ninh Bình.
Anh này cũng cho biết, chỉ cần chúng tôi có hóa đơn tiền điện 3 tháng liền kề không dưới 300.000 đồng/tháng, ngoài ra không cần có chứng từ bảo lãnh đi kèm.
Khi tôi ngỏ ý muốn vay khoảng 10 triệu đồng với kỳ vay ngắn hạn thì anh T. đồng ý và đề nghị cho biết địa chỉ nhà để cán bộ tín dụng đến hướng dẫn làm hồ sơ cho vay.
Mức lãi suất vay theo hình thức này được áp dụng là 2,95%/tháng, tương đương với 35,4%/năm, trong khi đó mức lãi suất tiêu dùng được các ngân hàng thương mại trên địa bàn áp dụng phổ biến ở mức 9-11%/năm.
Giả dụ nếu với mức lãi suất này thì khi khách hàng vay 10 triệu đồng trong kỳ hạn 1 năm sẽ phải trả hàng tháng là 2.459.000 đồng/tháng và 1 năm cả gốc lẫn lãi sẽ gấp 3 lần dư nợ ban đầu là 29.499.000 đồng/năm.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chánh Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh thì mức lãi cho vay như trên là quá cao. Bởi theo quy định tại Điều 476, Bộ Luật dân sự thì mức cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản hiện hành được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định là 0,9%.
Tiếp tục trong vai người đi vay tiền, chúng tôi tìm đến địa chỉ được trưng biển quảng cáo trên đường L.H.P (thành phố Ninh Bình). Trên biển quảng cáo ghi rõ cho vay vốn ngân hàng không thế chấp, hộ khẩu nào cũng vay được dưới các hình thức như: vay theo lương, theo bảo hiểm nhân thọ, vay theo tổ chức tín dụng khác, vay theo hóa đơn tiền điện.
Tuy nhiên, khi đến đó, chủ cửa hàng cho biết họ chỉ cho thuê địa điểm để treo biển quảng cáo còn muốn vay thì liên lạc với số điện thoại in trên đó. Khi chúng tôi gọi vào số điện thoại di động, một người đàn ông xưng tên là Q, cán bộ của một ngân hàng có địa chỉ trong Sài Gòn. Anh ta cho biết đang ở Kim Sơn. Sau khi hỏi lý do vay tiền và thỏa thuận số tiền cần vay cũng như thủ tục cần thiết, anh ta hẹn ở quán cà phê để giao dịch chứ không có địa chỉ cụ thể nào để tìm hiểu.
Như vậy có thể thấy, hình thức tín dụng ngoài luồng không trong hệ thống các tổ chức tín dụng được nhà nước công nhận đang hoạt động công khai chứ không còn dưới hình thức truyền miệng như trước đây. Dù bị ngân hàng "cạnh tranh" trong lĩnh vực cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng, thế nhưng những tổ chức tín dụng đen vẫn không hề quan ngại và liên tục tung ra nhiều ưu đãi "hấp dẫn" hướng đến những đối tượng vay tiềm năng như: người lao động tự do, người buôn bán nhỏ, công nhân…
Và dù không được pháp luật công nhận và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại nhưng dường như tín dụng ngoài luồng vẫn giữ một vị thế vững chắc trong lòng khách hàng. Nhiều người dân khi có nhu cầu vay vốn nhanh hoặc e ngại những thủ tục rắc rối của ngân hàng vẫn lựa chọn giải pháp vay "tín dụng đen".
Nhiều khách hàng cho rằng, không vay tín chấp hay vay tiêu dùng tại ngân hàng vì thủ tục khá rườm rà và lâu. Mỗi khi cần vốn để đầu tư, tôi thường vay bên ngoài cho nhanh mặc dù lãi suất hơi cao so với ngân hàng nhưng được cái không rắc rối và tốn thời gian".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay thanh khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn không khan hiếm, các đơn vị vẫn tích cực tìm kiếm khách hàng là doanh nghiệp và kể cả khách hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khách hàng vay tiền sẽ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý để tránh việc rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng.
"Đối với các trường hợp tín dụng ngoài luồng trên quảng cáo trong thời gian qua là "cho vay vốn ngân hàng" đều là trá hình chứ không có ngân hàng nào tiếp thị theo hình thức này" - Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Bình khẳng định.
Cần sớm có biện pháp quản lý phù hợpNếu như trước đây, việc cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng "ngoài luồng" chỉ tồn tại dưới dạng "chui" và không được Nhà nước công nhận. Việc cho vay này được thực hiện bởi một số cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng và quảng cáo thông qua phương thức truyền miệng thì hiện nay, hình thức cho vay này hoạt động công khai.
Tuy nhiên, hình thức tín dụng ngoài luồng này đang gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không có biện pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng "vỡ tín dụng đen" như những năm trước đây.
Thực tế cho thấy, tín dụng ngoài luồng đã công khai hoạt động và không ít người dân đã tin tưởng. Tuy nhiên, việc quản lý đối với hoạt động này đang còn nhiều khó khăn bởi hầu hết các đối tượng cho vay đều không ở tại địa điểm quảng cáo.
Hoạt động giao dịch tín dụng cũng diễn ra ở nhà người vay hoặc quán cà phê chứ không có trụ sở cố định. Bên cạnh đó, cũng chính vì khả năng sinh lời cao, cùng cách vận hành "ngoài vòng pháp luật" nên đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này cũng khá đa dạng. Đáng ngại, đây là mảnh đất béo bở cho không ít đối tượng "xã hội đen", tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Để làm rõ hơn hình thức tín dụng ngoài luồng này, chúng tôi đã làm việc với một số ngành chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường.
Qua làm việc với ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, chúng tôi được biết: Hoạt động của loại hình tín dụng ngoài luồng đang rất công khai và trên diện rộng khắp cả nước chứ không riêng ở tỉnh Ninh Bình.
Để hạn chế, ngăn chặn việc các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và quy định của Bộ Công an về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp tiến hành rà soát, thu thập thông tin đối với những tổ chức, cá nhân trên địa bàn không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Khôi cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra thấy rằng hoạt động tín dụng ngoài luồng đã xuất hiện ở Ninh Bình trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ông Khôi khẳng định hoạt động tín dụng này không liên quan đến cán bộ, nhân viên của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Tất cả các hình thức tín dụng trên đều là hoạt động xã hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước chỉ có chức năng điều hành các hoạt động tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động tín dụng mà nhà nước cấp phép.
Về phía Chi cục Quản lý thị trường cũng cho biết: Chi cục Quản lý thị trường theo chức năng là kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng đã phối hợp với ngành chức năng để thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng trên thị trường Ninh Bình. Tuy nhiên, đối với hoạt động tín dụng thuộc phạm vi điều chỉnh của Ngành Ngân hàng theo Luật các Tổ chức tín dụng.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chánh án tòa dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh. Theo bà Hoa: Hoạt động tín dụng "đen" được xem là hoạt động giao dịch dân sự.
Do có sự thỏa thuận lỏng lẻo về tài sản thế chấp cũng như chế tài xử lý khi không trả được nợ nên việc cho vay này rủi ro rất cao cho cả 2 bên và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đến thời hạn trả nợ mà 2 bên không thể giải quyết bằng thỏa thuận thì đương sự phải cần pháp luật can thiệp. Tuy nhiên, khi khởi kiện ra tòa án thì đơn kiện của đối tượng cho vay đã chốt nợ hoặc thể hiện bằng hợp đồng mua bán tài sản dân sự, trong đó không thể hiện mức lãi suất hoặc lãi suất ở mức thấp.
Mặc dù trước tòa, người bị kiện bao giờ khi vay với lãi suất rất cao và sau thời gian không trả được thì lãi mẹ đẻ lãi con, cộng dồn với gốc đã lên con số rất lớn nằm ngoài khả năng trả nợ.
Do đó tòa không có căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho bên vay. Hầu hết các vụ kiện phần thắng đều thuộc về bên khởi kiện.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoa: Mặc dù theo Điều 476, Bộ Luật dân sự thì lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản hiện hành được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định là 9% là có dấu hiệu cấu thành tội cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, khi ra tòa bên vay không có căn cứ chứng minh được lãi suất mình vay là quá cao hoặc bị ký nhận số tiền vay trong tình trạng bị ép buộc thì tòa án mới chuyển cho cơ quan công an điều tra tội cho vay nặng lãi.
Bên cạnh đó, chính vì số tiền quá lớn nên người bị kiện thường không hợp tác với cơ quan tòa án, gây áp lực cho tòa trong quá trình xử kiện.
Ông Đỗ Duy Tư, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Mặc dù hoạt động "tín dụng đen" đang diễn ra hết sức tinh vi nhưng việc xử lý hoạt động này gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do việc xác định mức lãi suất cho vay trong thực tế rất khó, vì trong tín dụng đen trên giấy tờ vay mượn thường không ghi rõ lãi suất bao nhiêu mà chỉ thể hiện số tiền phải trả nhất định trong một thời điểm nào đó. Muốn có cơ sở để xử lý hành vi cho vay nặng lãi phải làm thế nào điều tra ra được tính chất "chuyên bóc lột" của nó - mà điều này rõ ràng không dễ.
Chính vì thế đến thời điểm này Ninh Bình chưa xử lý vụ án nào về tội cho vay nặng lãi.
Một số hoạt động kinh doanh có điều kiện như cầm đồ thì phải được công an cấp phép về trật tự xã hội. Thế nhưng hoạt động tín dụng ngoài luồng này chưa được các ngành chức năng cho phép, các đối tượng hoạt động cũng không có địa điểm cố định, do đó ngành công an cũng rất khó quản lý về trật tự xã hội.
Thiết nghĩ, cho vay tiêu dùng là một hoạt động tín dụng dân sự thông thường, nó đáp ứng nhu cầu cần thiết của một bộ phận người dân.
Tuy nhiên, hoạt động này đang có xu hướng công khai và núp dưới bóng của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính.
Chính vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các địa phương cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp.
Trong đó, ngành Ngân hàng theo chức năng của mình cần tham mưu cho chính quyền về biện pháp quản lý tín dụng. Nếu đây thực sự là một hoạt động cần thiết theo sự phát triển của xã hội thì cần tạo điều kiện để cho các cá nhân được đăng ký kinh doanh…, tránh tính trạng "thả gà ra đuổi".
Bảo Yến