Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi năm trên địa bàn có gần 700 doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Đạt được kết quả đó là do cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng của Nhà nước, đồng thời với cải cách các thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn đã giải quyết nhanh chóng kịp thời các thủ tục hành chính và những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, vì vậy nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt hiệu quả tốt. Con số này cũng phản ánh những nỗ lực trong cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, nhưng cũng cho thấy áp lực lớn đối với công tác quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của các văn bản pháp luật, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý để vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) đã làm thay đổi căn bản quyền kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Trước đây, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ngoài đăng ký là vi phạm pháp luật. Bởi vậy, để dự phòng, nhiều doanh nghiệp đăng ký trong hồ sơ tới mười trang giấy ngành nghề kinh doanh. Nay, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hồ sơ đăng ký cũng không còn bao gồm các giấy tờ liên quan như: giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... "Nói dễ hiểu thì cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, đã giúp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp xuống còn hai đến ba ngày làm việc. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi các sở, ngành, chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm và sâu sát hơn trong quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập".
Chính những cải cách thông thoáng về thủ tục hành chính khi đăng ký thành lập doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đăng ký "khống" vốn điều lệ không đúng với năng lực thực tế. Ông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng: tình trạng doanh nghiệp đăng ký "khống" xảy ra nhiều nhất trong các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng. Để tăng năng lực phục vụ việc đấu thầu doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ cao so với khả năng thực tế để làm căn cứ chứng minh vốn đầu tư thực hiện dự án. Mặt khác nhiều doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh đã đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh nhưng không triển khai gây khó khăn cho việc quản lý và tổng hợp, phân loại ngành nghề doanh nghiệp. Ngoài ra còn nhiều tình trạng như doanh nghiệp chuyển trụ sở, không treo biển hiệu doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tài chính hàng năm nên việc thu thập số liệu đánh giá tình hình của hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp bỏ kinh doanh hay kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản nhưng không làm thủ tục giải thể, ý thức tuân thủ pháp luật về thực hiện Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp còn riêng biệt theo chức năng, nhiệm vụ từng sở, ngành nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Hiện nay cơ chế quản lý và kiểm tra đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã chuyển hoàn toàn từ "tiền kiểm"sang "hậu kiểm" song vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chế độ báo cáo của các cấp, ngành chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến tình trạng thiếu những thông tin đánh giá về tình hình hoạt động và những vi phạm của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có Quy chế về phối hợp quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở Thông tư liên tịch số 4/2015/TTLT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ban hành về quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn. Trong thời gian tới, các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh cần thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của nhà nước cho người kinh doanh.
Để tăng cường giám sát của chính quyền cấp cơ sở đối với hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn cần có quy định về trách nhiệm phát hiện, phản ánh, báo cáo những biểu hiện không bình thường của doanh nghiệp trên địa bàn để các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên biết và xử lý. Quan trọng hơn, các đơn vị phải tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, phối hợp giải quyết nhanh và nghiêm các trường hợp doanh nghiệp giả mạo hồ sơ, vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận thuế, hóa đơn... để góp phần hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hợp pháp.
Bảo Yến