Nghẹt thở vì khói
Tại một quán cơm bình dân trên địa bàn phường Thanh Bình, chúng tôi nhận thấy có tới 3 bếp than hoạt động thường xuyên, trong đó có 1 bếp loại sử dụng 3 viên. Chủ quán cho biết, mỗi ngày cửa hàng phải dùng ít nhất 2 - 3 viên than/bếp. Viên này sắp tàn lại cho viên khác vào gối, để đỡ mất công nhóm bếp lại.
Khi được hỏi, vì sao lại chọn bếp than tổ ong để sử dụng, chủ quán cho biết: bếp than tổ ong có tác dụng là ủ nóng được suốt ngày; giá thành lại rẻ hơn nhiều so với bếp ga. Khi được hỏi dùng bếp than cả ngày như thế có thấy ảnh hưởng đến đến sức khỏe không? chị chủ quán trả lời: Lúc nhóm bếp hoặc thay than là lúc nhiều khói nhất, mùi cũng khó chịu lắm nhưng mà vì công việc, tôi vẫn phải sử dụng.
Tuy nhiên, khói than đâu chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng bếp than, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và những hộ dân xung quanh. Một trong những hộ dân quanh năm suốt tháng dù không sử dụng bếp than tổ ong nhưng vẫn phải chịu đựng hít khói than hàng ngày, bà Phạm Thị L (phường Thanh Bình) cho biết: Dọc dãy phố nhà tôi dài chỉ khoảng 500m nhưng có 5 cửa hàng ăn, trong đó 4/5 cửa hàng sử dụng bếp than tổ ong.
Cứ buổi tối và sáng sớm, lúc họ thay than là khói than lại bay quẩn vào trong nhà, không thể thở nổi, nhất là hôm nào đi ngủ quên không đóng cửa sổ là gần về sáng chúng tôi sẽ bị đánh thức vì khói than bay vào phòng, sợ nhất là ảnh hưởng đến các cháu nhỏ. Vậy mà gia đình tôi cũng không dám góp ý hay ý kiến, bởi nhà hàng xóm làm ăn, kinh doanh, mình nói dễ gây mất đoàn kết, mà cứ như thế này thì chúng tôi không biết sống thế nào.
Dạo một vòng qua các ngõ phố, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, chúng tôi thấy hiện nay đa phần những hộ kinh doanh, buôn bán đồ ăn sáng, các quán cơm, phở bình dân... đều sử dụng bếp than tổ ong... Tại khu vực tập trung dân cư như bệnh viện, trường học, những nơi có nhiều hàng, quán bình dân, sự xuất hiện của các bếp than càng dày đặc hơn, kèm theo đó là mùi khói phát tán.
Trong đó, nhiều bếp than tổ ong được đặt "chình ình" ngay trên các vỉa hè, gốc cây, thậm chí chân cột điện,... chẳng khác nào những chiếc "bẫy lửa" đối với người dân và các phương tiện tham gia giao thông; một số bếp lại được người dân đặt ngay trong nhà. Ngoài việc tiềm ẩn nguy hại đến sức khỏe thì việc đặt bếp thiếu ý thức như trên còn cản trở người qua lại đồng thời làm xấu hình ảnh văn minh đô thị. Thực tế trên địa bàn cả nước đã có nhiều trường hợp tử vong hay hỏa hoạn vì bếp than tổ ong.
Thiếu chế tài xử lý
Trao đổi vấn đề này với ông Phạm Thành Trung, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ninh Bình, được biết: việc sử dụng bếp than tổ ong được các chuyên gia y tế khuyến cáo là có tác động rất xấu đến môi trường sống bởi khói than tỏa ra nhiều, âm ỉ và độc hại.
Hiện nay, người sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố khá nhiều, tập trung ở những phường trung tâm như Vân Giang, Thanh Bình, Phúc Thành, Tân Thành... trong đó, đối tượng sử dụng chủ yếu là các hộ kinh doanh ăn uống nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng này không thuộc diện phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, nên thành phố không đưa vào quản lý.
Hơn nữa, hiện hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có quy định cấm sử dụng bếp than tổ ong mà chỉ cấm thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí (Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường 2014)..., trong khi đó thành phố chưa có thiết bị nào để đo hàm lượng độc hại của khói than phát tán trong không khí, vì vậy không có căn cứ để xử lý theo quy định. Để quản lý việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố hiện nay là rất khó.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Mạnh Minh, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cho biết: Từ trước đến nay phường chưa quan tâm, để ý đến vấn đề này, cũng chưa có biện pháp nào để quản lý việc sử dụng bếp than tổ ong của các hộ gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân về vấn đề này để kiến nghị UBND thành phố có giải pháp khắc phục; đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền các hộ sử dụng bếp than tổ ong nâng cao ý thức khi sử dụng; tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Trước những lo ngại về ảnh hưởng của bếp than tổ ong đến môi trường và đời sống nhân dân trên địa bàn, ông Phạm Thành Trung, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố chỉ đạo các xã, phường trước mắt động viên, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng bếp than, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống nhân dân xung quanh. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu khảo sát, đề xuất giải pháp và đưa vấn đề sử dụng bếp than tổ ong vào quy chế quản lý đô thị để có chế tài xử lý cụ thể, nhằm đảm bảo môi trường sống cho thành phố.
Thiết nghĩ, trước đây, thành phố Ninh Bình đã từng rất khó khăn trong việc xóa sổ các lò vôi hoạt động trên địa bàn, nhưng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố chúng ta đã thành công, đảm bảo được lợi ích chung. Vì vậy, hy vọng thời gian tới thành phố Ninh Bình sẽ sớm có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để giảm dần tiến tới xóa bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong, tạo môi trường cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.
Bài, ảnh: Ân Nghĩa