Theo thống kê, hiện toàn xã Ninh Vân có 90 doanh nghiệp và khoảng 500 hộ sản xuất chế tác đá mỹ nghệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể trong xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất lên đến hàng chục tỷ đồng. Làng nghề Ninh Vân đã thu hút, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động của xã và 1.000 lao động ở các địa phương khác. Đóng góp 80% tổng giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ của xã Ninh Vân.
Đi đôi với sự phát triển, mở rộng quy mô, làng nghề đá Ninh Vân đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Ông Vũ Ngọc Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Phần lớn mặt bằng của các cơ sở sản xuất trong xã nhỏ hẹp do tận dụng đất sinh hoạt của gia đình nên nhiều cơ sở không đủ điều kiện để đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị để mở rộng sản xuất, không có mặt bằng để xây dựng khu trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh...
Do lịch sử để lại đường đi chật hẹp, cốt nền yếu, khó vận chuyển lượng hàng hóa lớn nên người dân phải thường xuyên dùng xe tự chế để vận chuyển hàng. Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ của nhiều cơ sở lạc hậu, nên năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng kém. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếng ồn, chất thải rắn... làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Qua công tác kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Ninh Vân của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ hoạt động sản xuất truyền thống, trên đất của hộ gia đình. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở sản xuất cũng đã thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm như: phun nước vào các lưỡi cưa, đầu chạm đá để giảm thiểu bụi, chất thải rắn chủ yếu là đá được thu gom làm vật liệu san lấp mặt bằng. Một số cơ sở đã đầu tư bể lắng để thu gom nước thải phát sinh trong quá trình xử lý bụi và tuần hoàn sử dụng...
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều chưa lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Trong quá trình quản lý, UBND xã Ninh Vân cũng chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề trình UBND huyện Hoa Lư xem xét, phê duyệt theo quy định. Trong quá trình làm nghề, một số cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ có sử dụng máy chạm khắc đá tự động gây tiếng ồn lớn cho môi trường xung quanh. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra ở thời gian giáp Tết âm lịch do các cơ sở phải đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
Để đảm bảo môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND huyện Hoa Lư yêu cầu các cơ sở sản xuất đá phải thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường xung quanh trong quá trình hoạt động (tại văn bản số 565/STNMT-BVMT ngày 12/3/2019).
Đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện Hoa Lư tăng cường công tác kiểm tra, giám sát yêu cầu các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nằm trong khu dân cư thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn II, có cơ chế, chính sách phù hợp để sớm di chuyển toàn bộ các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ nằm trong khu dân cư vào cụm công nghiệp làng nghề (cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 1 đã giao đất, các cơ sở đã đi vào hoạt động). UBND xã Ninh Vân cần sớm lập phương án bảo vệ môi trường cho các làng nghề trình UBND huyện Hoa Lư phê duyệt theo quy định.
Làm việc với ông Vũ Vĩnh Thụy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoa Lư, chúng tôi được biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của các ngành chuyên môn và huyện Hoa Lư, UBND xã Ninh Vân đã có Thông báo số 26/TB-UBND yêu cầu các cơ sở sản xuất đá trong khu dân cư: không được tự ý xả chất thải chưa được xử lý từ máy chạm khắc đá ra môi trường; có biện pháp giảm tiếng ồn, không cho máy chạm khắc đá chạy quá 22 giờ 30 phút và trước 5 giờ sáng, các cơ sở đã ký cam kết hoạt động sản xuất theo đúng thời gian UBND xã Ninh Vân quy định trong các làng nghề của xã.
Bảo Yến