Kiểu đánh bắt hủy diệt.
Đi qua những vùng đồng trũng hoặc dọc bờ sông, nhất là vào mùa nước tại một số địa phương trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp cảnh đánh bắt cá "hiện đại" của người dân. Không biết có phải "người khôn của khó" hay không, mà người dân đã nghĩ ra nhiều cách đánh bắt cá mà không tốn nhiều công sức...
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về cách đánh bắt này, anh Đinh Văn M, xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) giải thích: "Bây giờ đi đánh bắt cá mấy ai còn dùng chài lưới, câu kéo nữa, làm vậy rất mất thời gian mà hiệu quả lại thấp, tốt nhất là dùng lại đơn giản hơn rất nhiều...".
Theo anh M, đánh bắt bằng điện thường có hai loại xung điện và củ điện. Thiết bị này hiện nay rất đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau, với xung điện thì có các loại từ "12 - 16 con sò", có bán kính hoạt động từ 8-10 m tùy vào mục đích sử dụng, hoặc loại dùng bình ắc quy 24V, kích lên dòng điện 220V cũng có khả năng sát thương tương tự. Để có một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bình kích điện.
Củ điện tốn kém hơn so với xung điện ở chỗ, nó là máy phát điện của các loại máy cày, máy xúc..., người ta mua về dùng làm máy nổ, cho ra dòng điện 3 pha, họ luồn dây điện xuống chân lưới, rồi giăng ngang sông dùng thuyền "quét". Với phương tiện hiện đại này, cá chỉ còn một con đường duy nhất là "nhảy" lên thuyền để tránh không bị điện giật. Một số người dân làm nghề chài lưới cho biết: Với cách làm này, một đêm có thể đánh được cả tạ tôm, cá.
Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được anh M cho đi cùng trong một buổi kích cá đêm, bởi đi thế này không chỉ nguy hiểm do điện giật mà còn có thể bị công an xã lập biên bản xử lý. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị "đồ nghề" để lên đường. Cẩn thận đấu những đầu dây từ bộ kích vào hai chiếc cần tự chế, anh M giải thích thêm: "Cần thường dài từ 1,5 - 2 m tùy vào từng người nhưng phổ biến là 1,5 m do đem lại hiệu quả cao nhất, nhưng khoảng cách này lại không an toàn do nếu sơ xảy sẽ bị điện giật. Cách đây mấy bữa có một anh gần nhà bị điện giật may có người tới cứu chữa kịp nên không nguy hiểm tới tính mạng".
Đeo đèn lên trán giống như công nhân mỏ, quẹt hai tấm lưới sắt vào nhau tóe lửa, anh M cười: "Bây giờ đã sẵn sàng". 8 giờ tối, chúng tôi ở giữa cánh đồng men theo nhánh sông Vạc (Yên Mô). Thỉnh thoảng phía trước mặt chúng tôi lại xuất hiện những ánh đèn lập lòe trên mặt nước, phản quang loang loáng. "Đêm nay là ít người đi kích đấy, chứ hôm nào sau những trận mưa to, cánh đồng này có đến hàng chục người đi kích", anh M cho biết.
Là người có kinh nghiệm nên theo anh M, nơi có thể đánh được là những cánh đồng trũng, ven sông, hồ, hay đơn giản là các vùng có cống thông ra sông. Đánh kích khá đơn giản, chỉ cần đưa hai cây sào xuống dòng nước là dòng điện từ nguồn qua cần kích phóng qua trong nước. Theo phản xạ, những con cá, con tôm nhao loạn lên rồi ngắc ngoải lịm hẳn. Người kích chỉ việc dùng vợt hoặc dùng tay để bắt cá.
Đi dọc theo bờ ruộng, chúng tôi tiếp cận được anh H - người từ xã Khánh Cư (huyện Yên Khánh) đến. Anh H cho biết thêm: "Ban đầu em không biết nghề này, cách đây gần một năm mấy anh cùng làm thợ xây rủ đi "làm thêm" để... cải thiện. Đi mấy hôm thấy có thu nhập cao nên em cũng đầu tư sắm bộ kích đi theo "đội quân kích điện" luôn. Mỗi đêm trời mưa, tôm cá nhiều có thể kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Thế nhưng những buổi đi kích được tiền trăm bây giờ cũng hiếm lắm, chỉ vào mùa mưa bão cá từ ao, đầm hay các khu nuôi thả vượt ra đồng thôi; tôm, cá ở đây ngày càng ít!".
Trong cả buổi đi kích cùng anh M đa số "sản phẩm" kích được là các loại tôm, cá bé, thỉnh thoảng mới được mấy chú cá trôi hoặc chép. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy, ngoài những con tôm, con cá mà người kích vớt được còn nhiều những bào ngư và trứng của chúng đã bị chết hàng loạt, đấy là chưa kể đến những sinh vật phù du trong nước cũng không chịu nổi dòng điện tới 220V. Sau mỗi đợt kích điện, thì cánh đồng hay khúc sông lại trở thành cánh đồng, khúc sông chết bởi sự tận diệt không thương tiếc của con người.
Thực trạng đáng báo động
Bất luận vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện ồ ạt trong thời gian qua đã hủy hoại không nhỏ đến môi trường sinh thái. Đã có những cái chết đau lòng - hậu quả từ việc bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện, nhưng vẫn còn một số đối tượng vi phạm việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Là vùng "rốn lũ" nên nhiều xã ở 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn đã trở thành điểm nóng của việc đánh bắt cá bằng xung điện, nhất là vào mùa nước nổi. Đến các xã vùng lũ, chúng tôi nhận thấy "đội quân" này thường có hơn chục người dàn hàng ngang ở các cánh đồng, sông, hồ để kích điện. Do địa hình có nhiều diện tích thùng trũng, không thuận lợi cho việc thâm canh cây lúa và các cây màu khác nên nhiều diện tích đã được người dân chuyển sang thâm canh theo mô hình lúa + cá. Khi gặp mưa lũ lớn, cá vượt ao đầm, bờ vùng, bờ thửa tràn ra các cánh đồng. Đây cũng là lý do tại sao vào mùa này lượng người đánh bắt cá bằng xung điện ở đây tăng lên đáng kể.
Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện vẫn không chấm dứt, tuy không còn ngang nhiên nhưng nhiều người vẫn hoạt động lén lút, nhất là vào ban đêm ở ven sông, thùng vũng, ao hồ. Việc quản lý vấn đề này còn bỏ ngỏ, bởi vì lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, mặt khác cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm.
Nghị định số 128/2005/NĐ -CP ngày 11-10-2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền các cấp, các ngành mà mới chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn hơn. Nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao, trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ.
Do đó, việc khai thác thủy sản bằng xung điện ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ có ở vùng lũ, vùng biển mà còn xuất hiện ngay cả ở các xã, thị trấn của huyện Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh, thị xã Tam Điệp. Dụng cụ của đội những người đánh bắt trên sông, biển thường được sử dụng là đăng sắt, lưới điện và kể cả chất nổ, hóa chất độc. Đánh bắt trong nội đồng thường được sử dụng bằng kích điện cầm tay, te, lưới chày, đăng đáy kích thước mắt nhỏ.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Hiện chưa con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thủy sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn. Tính trong vòng 3 năm trở lại đây, ngành chức năng đã tổ chức 30 đợt kiểm tra trên biển, kiểm tra trên 500 phương tiện, cảnh báo 268 phương tiện sử dụng xung điện khai thác thủy sản, lập biên bản 60 phương tiện, tịch thu 48 kích điện xách tay, 12 te, lưới điện, phạt tiền gần 14 triệu đồng; phát hiện và xử lý 149 vụ đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, truy đuổi 143 vụ và thu giữ 2 kg thuốc nổ, 66 kíp nổ, 2 m dây cháy chậm vô chủ; vận động 200 hộ cam kết từ bỏ sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất độc để khai thác thủy sản.
Cùng với lực lượng thanh tra chuyên ngành, các huyện, thành phố, thị xã cũng tích cực ra quân, tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên phạm vi địa bàn quản lý, kể cả trên các sông và vùng nội đồng. Huyện Hoa Lư từ năm 2006 đến nay đã kiểm tra, phát hiện 87 vụ sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản, tịch thu 79 bộ kích điện cầm tay, xử phạt hành chính gần 700 nghìn đồng; huyện Gia Viễn phát hiện, thu giữ và tiêu hủy 82 kích điện cầm tay; 4 te, lưới điện; vận động 40 hộ cam kết không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản.
Cần có sự tham gia quản lý và bảo vệ của toàn dân
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản ngày càng tăng là do người dân chưa hiểu biết được tác hại của việc hủy hoại môi trường nước khi sử dụng xung điện để đánh bắt và những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa chính mạng sống của mình. Nhiều người đã được cảnh báo về việc sử dụng xung điện nhưng vì nhu cầu sống và lợi ích trước mắt nên vẫn hiển nhiên đánh bắt, bất chấp sự kiểm tra của chính quyền địa phương và luật pháp quy định.
Chính vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền về những văn bản quy phạm pháp luật, những tác hại khi sử dụng xung điện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hiện tại và về lâu về dài của người dân. Bên cạnh công tác tuyên truyền, cần vận động nhân dân, nhất là những hộ đã và đang sử dụng kích điện ký cam kết không sử dụng và không tái sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản.
Ông Trần Anh Khôi, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về nghiêm cấm sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, huyện đã triển khai và một số đơn vị cơ sở đã làm tốt. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa làm tốt vì vai trò của chính quyền cơ sở trong hoạt động chấn chỉnh việc đánh bắt thủy sản chưa cao, chưa sát sao, chưa quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm.
Với chính quyền cơ sở, cần thành lập tổ, đội hoặc nhóm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy đã có những trường hợp sử dụng kích điện để bắt trộm cá của các hộ dân có ao đầm lớn và số lượng nhiều, gây mất an ninh trật tự xã hội. Với những trường hợp này cần xử lý nghiêm để làm gương cho các đối tượng khác noi theo.
Các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường hoạt động, kiểm tra, kiểm soát các bờ vùng, ao đầm, nhất là vào mùa nước rút và lũ lụt, mùa cá sinh sản. Những tay săn cá bằng xung điện thường hoạt động nhiều nhất vào các mùa tháo nước đồng. Khi đó, thủy sản và các loài thủy sinh chảy theo dòng nước xuống các kênh, mương hoặc vào mùa mưa lũ, cá trong các ao đầm nuôi phóng ra ngoài.
Ông Phạm Văn Giới - Thuyền trưởng, đơn vị tàu kiểm ngư trực thuộc Chi cục thủy sản cho biết: Hiện các tàu thuyền đánh cá trên sông sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản còn nhiều. Khác với kích điện cầm tay, ngư dân dùng "chã điện", sử dụng bình ắc quy to tới 70 - 80 kg; khi đó các loài thủy sinh đều bị giật chết hoặc bất tỉnh, những con bất tỉnh không vớt lên được để lâu cũng bị chết. Tác hại của việc dùng xung điện là rất lớn: tận diệt các loài thủy sinh, làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường nước.
Hiện tại, đội tàu kiểm ngư chỉ có 8 cán bộ và 1 tàu, trong khi địa bàn kiểm tra, kiểm soát lại quá rộng, do đó các cấp chính quyền từ thôn, xã cần vào cuộc và ủng hộ đội tàu kiểm tra, kiểm soát trên các sông, biển. Đặc biệt cần phối hợp tăng cường kiểm tra vào mùa sinh sản, một số loài cá biển bơi ngược vào các vùng nước ngọt, nước lợ để sinh sản và phát triển… nên công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm ở thời điểm này là rất quan trọng.
Nhà nước đã ban hành một số văn bản quản lý, nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương như: Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11-10-2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, không quy định chế tài xử phạt hành chính đối với vi phạm sử dụng kích điện cầm tay, không giao thẩm quyền xử phạt cho các cấp xã, huyện, tỉnh, thủ trưởng các ngành. Do đó, vai trò của các cấp cơ sở trong lĩnh vực này rất mờ nhạt.
Thời gian tới, Nhà nước cần điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong việc quản lý đánh bắt thủy sản bằng xung điện phù hợp với thực tế như: bổ sung hành vi, vi phạm và mức xử phạt đối với sử dụng kích điện cầm tay, giao thẩm quyền xử phạt cho các cấp xã, huyện, tỉnh, thủ trưởng các ngành. Hiện nay, tổ chức thanh tra chuyên ngành thủy sản chưa được thành lập, chủ yếu là kiêm nhiệm, nên đã ảnh hưởng đến kết quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, do vậy cần có cơ quan thanh tra chuyên ngành này ở Chi cục Thủy sản.
Đẩy mạnh chính sách giao khoán mặt nước, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác ven bờ, vùng nội đồng, tạo việc làm để giảm dần số lượng người tham gia khai thác ven bờ, vùng nội đồng. Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án bảo tồn, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và nhân dân; tạo ra thế trận: toàn dân tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nhóm PV Kinh tế