Được biết hiện nay tuy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn hàng năm tăng song chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên về lĩnh vực may mặc, sản xuất gạch và xây dựng vì vậy số lao động ký hợp đồng mùa vụ còn khá phổ biến; ngoài ra nhiều doanh nghiệp tư nhân việc sử dụng lao động lại chủ yếu là "người nhà"…
Đó là khó khăn đầu tiên dễ nhận thấy mà LĐLĐ huyện gặp phải trong quá trình triển khai phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Bên cạnh đó, cũng giống như ở một số địa phương khác, nhiều chủ doanh nghiệp trên địa bàn luôn tìm lý do để trì hoãn, tránh né việc thành lập CĐCS, cùng với đó vẫn còn một bộ phận công nhân lao động hiểu biết về pháp luật lao động rất hạn chế, có tư tưởng tham gia công đoàn phải đóng đoàn phí, mất tiền của cá nhân…
Trước những khó khăn đó, LĐLĐ huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trước tiên là thực hiện thường xuyên việc khảo sát, điều tra, thống kê tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn và chưa có tổ chức công đoàn thông qua các chương trình phối hợp với BHXH, Chi cục Thuế…
Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với những chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành. Theo đó, khi tuyên truyền cho người lao động, cán bộ chuyên trách gặp trực tiếp hoặc thông qua các buổi tư vấn để giúp người lao động thấy được lợi ích thiết thực khi gia nhập tổ chức công đoàn. Công tác tuyên truyền cũng được tiến hành song song với cả đối tượng là chủ doanh nghiệp với việc gửi các văn bản hướng dẫn và đối thoại trực tiếp có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân…
Điểm đáng chú ý trong công tác phát triển đoàn viên ở Nho Quan là các cấp công đoàn không chỉ chú trọng việc tuyên truyền, vận động mà còn có những việc làm cụ thể, thiết thực để người lao động thấy được những lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn. Trong năm 2017 LĐLĐ huyện đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH và tổ chức kiểm tra, giám sát tại 4 doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS khối doanh nghiệp tham gia với người sử dụng lao động triển khai Nghị định của Chính phủ về thực hiện mức lương tối thiểu vùng. Hiện nay tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng (theo quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp khu vực huyện Nho Quan là 2.580.000 đồng).
Đã có 100% doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh mức đóng BHXH cho người lao động theo mức lương mới. Ngoài ra LĐLĐ huyện cũng đã chỉ đạo các CĐCS tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó đưa chất lượng bữa ăn ca vào nội dung đối thoại định kỳ, chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chất lượng bữa ăn ca tại các doanh nghiệp... Thực tế năm vừa qua đã có thêm một số doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn ca cho người lao động với mức bình quân từ 13.000 đồng đến 22.000 đồng/suất.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm vừa qua, năm 2018, LĐLĐ huyện đề ra mục tiêu phát triển từ 300-400 đoàn viên trở lên, thành lập từ 2-3 CĐCS tại doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, LĐLĐ huyện sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp; tiếp tục khảo sát tình hình công nhân lao động, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc tuyên truyền, vận động; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động.
Đặc biệt LĐLĐ huyện sẽ tổ chức đánh giá, biểu dương tôn vinh các doanh nghiệp quan tâm đến thành lập CĐCS và tạo điều kiện tốt cho hoạt động công đoàn.
Đào Duy