Cùng đi có đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Giám đốc Sở Tài chính; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
Đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình thực hiện giải ngân, nâng cấp đê Hữu sông Hoàng Long và sông Đáy kết hợp với giao thông đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn. Đây là tuyến đê xung yếu nhằm bảo vệ nhân dân tiểu khu 1 và tiểu khu 2 của huyện Kim Sơn trong mùa mưa bão. Công trình đoạn qua huyện Kim Sơn có chiều dài trên 3.300 m. Hiện nhà thầu đang tập trung phương tiện, nhân lực khẩn trương thi công, đảm bảo an toàn tuyến đê.
Đoàn cũng đã thăm vùng sản xuất lúa đặc sản nếp cau tại xã Hồi Ninh, khu vực nuôi trồng thủy sản và các tuyến đê Bình Minh III, Bình Minh IV. Tiếp đó, làm việc với UBND huyện Kim Sơn, nghe báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020 và công tác xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021.
Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID- 19, song tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn cơ bản ổn định. Sản xuất nông nghiệp được mùa, vụ mùa toàn huyện gieo cấy trên 8 nghìn ha, năng suất ước đạt gần 56 tạ/ha. Riêng về thủy sản, đến hết tháng 10, sản lượng nuôi trồng đã thu hoạch ước đạt 16,5 nghìn tấn; sản lượng khai thác 300 tấn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại duy trì ổn định. Thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt mục tiêu dự toán, dự kiến trên 1 nghìn tỷ đồng. Ước tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 4,4 %.
Về giải ngân vốn đầu tư công: vốn ngân sách Trung ương có 3 dự án đã giải ngân 100%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 51%; vốn ngân sách tỉnh có 11 dự án, đã giải ngân 6 dự án với số tiền 25 tỷ đồng, đạt 54,1 % kế hoạch, vốn ngân sách huyện, giải ngân đạt gần 70%.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, huyện chủ trương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phấn đấu năm 2021 có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM; chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế là 7%, trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 2 %, công nghiệp xây dựng 8,6%, dịch vụ tăng 8,5%.
Kim Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban QLDA nông nghiệp đẩy nhanh thủ tục đầu tư sớm khởi công xây dựng công trình kè Hữu Vạc để phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai; chỉ đạo ngành chuyên môn giúp đỡ huyện hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng bãi bồi ven biển, mở rộng địa giới hành chính với 3 xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung. Sở Nông nghiệp hỗ trợ thêm hóa chất để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn kiểm tra cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 của huyện; đồng thời đóng góp các ý kiến và gợi mở một số giải pháp để Kim Sơn khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công và phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận những kết quả Kim Sơn đạt được trong thời gian qua. Để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội những tháng cuối năm 2020 và tạo bứt phá trong năm 2021, đồng chí đề nghị huyện cần có hướng đi, cách làm cụ thể, trong đó vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Nên tính toán quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp thay cho Cụm Công nghiệp đảm bảo thu hút hiệu quả các nhà đầu tư có chất lượng.
Huyện cũng cần cân nhắc việc hoàn thành lộ trình xây dựng NTM của các xã để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023. Việc thi công công trình đê Hữu Đáy, kè chắn sóng, huyện cần tăng cường rà soát, kiểm đếm, đảm bảo chính xác, công khai, tránh sai sót trong đền bù GPMB dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại.
Đồng chí lưu ý, thời gian tới, huyện cần tính toán kỹ chủ trương về việc thực hiện các bước mở rộng địa giới hành chính các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải thay cho chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới và sớm báo cáo tỉnh xem xét báo cáo Quốc hội quyết định trong nhiệm kỳ này.
*Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp và tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 của thành phố Ninh Bình.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH MCNEX VINA thuộc Khu công nghiệp Phúc Sơn và Công ty Sejung thuộc Cụm công nghiệp Cầu Yên.
MCNEX VINA là doanh nghiệp chuyên sản xuất camera module và linh kiện điện tử dành cho điện thoại, ôtô. Hiện, công ty đang sử dụng hơn 7.000 lao động. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sụt giảm, quá trình vận chuyển hàng hóa máy móc nguyên liệu bị gián đoạn dẫn đến doanh thu các tháng 4 và 5 của công ty giảm hơn 50%.
Tuy nhiên, từ tháng 6 trở lại đây, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty ổn định trở lại, quý III đạt mức tăng trưởng 118% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã sản xuất hiện 136 triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu tương đương 748 triệu đô la, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Công ty đã nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.
Công ty Sejung chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, sử dụng 50 lao động địa phương. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng giữ nguyên số lượng công nhân và chỉ điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp. Dự kiến thời gian tới khi dây chuyền sản xuất tiếp theo của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công tại Ninh Bình đi vào hoạt động thì hoạt động sản xuất của công ty sẽ tốt hơn.
Qua nghe báo cáo và trao đổi tình hình sản xuất, kinh doanh, đồng chí Phạm Quang Ngọc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất của các công ty. Ghi nhận sự đóng góp của MCNEX VINA cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh những năm qua. Hoạt động kinh doanh thành công của MCNEX VINA là chứng minh hướng đi, giải pháp đúng đắn của Ninh Bình trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua.
Đồng chí mong muốn thời gian tới, các công ty tiếp tục mở rộng sản xuất và bước sang năm 2021 sẽ có những bước phát triển khả quan hơn.
Về kiến nghị của Công ty Sejung về các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế, tỉnh sẽ giao cho các cơ quan chức năng trực tiếp trả lời và hỗ trợ. Về tuyến tuyến đường vào cụm công nghiệp Cầu Yên, UBND tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để đầu tư và dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2021.
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Ninh Bình, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 của thành phố.
Thành phố Ninh Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn hoàn thành và vượt 12/13 chỉ tiêu cơ bản, riêng chỉ tiêu về thu ngân sách là không đạt. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 15,3%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.752 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
Về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh, đến tháng 10 đã đạt 14.634 triệu đồng, bằng 48% kế hoạch vốn.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới, thành phố Ninh Bình cần kiên trì giữ vững quy hoạch, tăng cường quản lý Nhà nước về kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Quan tâm kết nối giao thông giữa các phân khu của thành phố; đặc biệt là việc kết nối giao thông giữa bờ Tây và bờ Đông sông Vân; giải quết những điểm đen về giao thông.
Ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình kiến trúc văn hóa và giáo dục; nghiên cứu quy hoạch lại làng nghề Ninh Phong. Tăng cường thu hút đầu tư, lấp đầy khu công nghiệp Phúc Sơn, định hình lại lại đâu là ngành công nghiệp chủ lực để dẫn dắt nền kinh tế của thành phố tăng nhanh về giá trị; bên cạnh đó tập trung các cơ chế chính sách để hỗ trợ hình thành các trung tâm dịch vụ.
Với lĩnh vực nông nghiệp, quỹ đất không còn nhiều nên phải định hình chính xác khu vực nào dành cho sản xuất để đầu tư hạ tầng hoàn thiện, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến.
*Cùng ngày, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công và tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch- đầu tư; Công thương, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê tỉnh.
Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại Công ty xi măng VICEM Tam Điệp và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, 9 tháng đầu năm Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp sản lượng sản xuất Clinker đạt 1.142.681 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ, sản lượng xi măng đạt 982.881 tấn, bằng 81,6% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.392.096 tấn bằng 107,4% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao 9 tháng đầu năm tổng sản lượng công nghiệp chế biến đạt 18.118 tấn, tổng giá trị đạt 728.9 tỷ đồng; tổng sản lượng sản xuất và thu mua vùng nguyên liệu 47.888 tấn, tổng giá trị thu mua đạt 345 tỷ đồng.
Đoàn đã làm việc với thành phố Tam Điệp về công tác giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.
Theo báo cáo của thành phố Tam Điệp, nguồn vốn Trung ương đầu tư theo chương trình mục tiêu năm 2020 là 24.427 triệu đồng, đến hết tháng 9 đã giải ngân đạt 98%; nguồn vốn sử dụng ngân sách cấp tỉnh cho 2 dự án gồm: cải tạo nâng cấp hồ Mang Cá, hồ Bống, hồ Lỳ, đập Sòng Cầu (xã Yên Sơn) kế hoạch vốn năm 2020 là 758 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 54%; dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt chuẩn nông thôn mới xã Quang Sơn có kế hoạch vốn năm 2020 là 3.200 triệu đồng, đã giải ngân đạt 97%; Nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố năm 2020 cho 72 dự án với tổng số vốn được giao là 34.230 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đã đạt 55%.
Đối với tình hình phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.367 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước đạt 175.650 triệu đồng, đạt 68,6% kế hoạch; sản xuất nông nghiệp ổn định, các xã nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố đã xây dựng kế hoạch năm 2021 với mục tiêu giữ vững ổn định và duy trì phát triển kinh tế trên cơ sở huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Tập trung duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý ngành công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phấn đấu xã và thôn hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hoàn thành GPMB các dự án trọng điểm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động chính quyền các cấp.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch bệnh và ổn định đời sống người lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các doanh nghiệp, chỉ đạo các ngành liên quan tiếp thu ý kiến tham mưu với UBND tỉnh để kịp thời giải quyết. Đồng thời mong rằng lãnh đạo các công ty tiếp tục tranh thủ thời cơ, lợi thế để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Tam Điệp về phát triển kinh tế- xã hội từ đầu năm đến nay, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại trong công tác giải ngân của thành phố Tam Điệp và yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát danh mục các công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện đầu tư và thanh toán.
Tập trung xây dựng giải pháp, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện đẩy nhanh tiến độ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm. Xác định danh mục các dự án giãn, hoãn tiến độ đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 459/UBND-VP4 ngày 24/7/2017.
Nguyễn Lựu- Nguyễn Thơm