*Buổi sáng, đoàn kiểm tra tại huyện Kim Sơn, tiến hành kiểm tra một số công trình đề nghị xử lý đột xuất, cấp bách, bao gồm: Kè Hữu Vạc, xã Thượng Kiệm; kè Tả Vạc, thị trấn Phát Diệm; nạo vét hệ thống kênh tiêu trạm bơm Cồn Thoi và sửa chữa cống trên đường Cơ Giới, xã Cồn Thoi.
Kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp, gồm sản xuất lúa đông xuân tại xã Thượng Kiệm, kiểm tra sản xuất hàu tại xã Kim Trung và tôm công nghệ cao tại thị trấn Bình Minh. Đồng thời kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Trung tâm GDCN-GDTX huyện và Trạm y tế xã Văn Hải.
Phát biểu sau buổi kiểm tra, các đồng chí thành viên đoàn kiểm tra đã trao đổi, nêu lên những thuận lợi, khó khăn, nhiệm vụ của huyện Kim Sơn trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đặc biệt là việc quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, trong đó quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng, vệ sinh môi trường nói chung, môi trường trong sản xuất thủy sản nói riêng...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình nuôi tôm trái vụ tại thị trấn Bình Minh. Ảnh: MQ
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT. Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Kim Sơn, giành nhiều thắng lợi ngay từ những tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong công tác thu ngân sách, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển ổn định...
Huyện đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến nay, trên địa bàn không có trường hợp nào nhiễm bệnh. Cảnh quan môi trường, đời sống nhân dân ổn định, đảm bảo an sinh xã hội.Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, huyện Kim Sơn là địa phương có tiềm năng lớn về kinh tế biển, song việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được quy hoạch đồng bộ, việc nuôi trồng hải sản còn manh mún, tự phát, quảng canh dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Kim Sơn cần sớm có quy hoạch tổng thể vùng bãi bồi ven biển, tham mưu với tỉnh để có kế hoạch đầu tư, quy hoạch đồng bộ phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế kinh tế cao.
Đồng thời huyện cần sớm quy hoạch phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tạo nguồn ngân sách cho Nhà nước, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.Đối với dịch bệnh Covid-19, trong thời gian này, Kim Sơn cần tiếp tục phối hợp với các cơ sở tôn giáo, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng bệnh, không dấu dịch, làm tốt công tác giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là những lao động đi xuất khẩu sang vùng có dịch, kịp thời cách ly, theo dõi, tránh để bùng phát dịch và lây lan trong cộng đồng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị huyện Kim Sơn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành đại hội chi bộ, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho đại hội đảng bộ cấp xã, tiến tới đại hội đảng cấp huyện.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác PCDB tại Cty TNHH JT Tube Việt Nam. Ảnh: MQ
*Buổi chiều, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp tục kiểm tra các nội dung trên tại thành phố Ninh Bình. Kiểm tra các công trình đề nghị xả lý đột xuất, cấp bách gồm: Công trình trạm bơm Cồn Muối, xã Ninh Phúc; công trình cống Đầu Quèn, xã Ninh Nhất và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại công ty TNHH Công nghiệp và dịch vụ Bình Minh, khu công nghiệp Phúc Sơn và Công ty TNHH JT Tube Việt Nam, cụm công nghiệp Cầu Yên.Tại các đơn vị được kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới.
Yêu cầu các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến sự phát triển của doanh nghiệp, đời sống người lao động...Đối với các kiến nghị của huyện Kim Sơn, thành phố Ninh Bình và các doanh nghiệp đoàn đến kiểm tra, nhất là những công trình đê, kè, cống... đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được xử lý đột xuất, cấp bách, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo các đồng chí lãnh đạo tỉnh, xem xét, quyết định.
*Sáng 24/2, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai, công tác phòng chống dịch Covid -19 và thăm một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoa Lư. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại tuyến đê Hữu Vạc. Ảnh: AT
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn đã đến kiểm tra hiện trạng tuyến đê Hữu Vạc thuộc địa bàn xã Ninh An (Hoa Lư). Đây là tuyến đê có chiều dài khoảng 3,53 km, cao trình hiện tại là 3,2 m thấp không đảm bảo cho chống lũ; mùa mưa bão năm 2017, nước lũ trên sông Vạc đã tràn qua. Huyện Hoa Lư đề nghị cho nâng cao trình lên 3,6 m; đồng thời đổ bê tông mặt đê đảm bảo sự vững chắc trong chống lũ và giao thông đi lại của nhân dân. Đến kiểm tra tại tuyến đê Đông Triều-Vạn Lê có chiều dài 3,2 km, cốt đê đã đủ cao trình; huyện Hoa Lư đề nghị cho đổ bê tông bê mặt đê, tạo đường giao thông đi lại cho nhân dân trong vùng.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid 19 tại bến thuyền Tam Cốc, Ban Quản lý khu du lịch cho biết: Lượng khách đến khu du lịch giảm 80% so với cùng kỳ. Ban Quản lý khu du lịch đã thực hiện nghiêm quy trình, quy định về công tác phòng chống dịch: Thường xuyên tuyên truyền trên loa công cộng; có băng rôn, bảng hướng dẫn du khách thực hiện quy trình quy định trong phòng chống dịch; vệ sinh nhà cửa, dụng cụ, trang thiết bị; khách đến tham quan trước khi xuống thuyền đều được đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và phát khẩu trang miễn phí…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại vùng trồng Sen mới (cạnh khu du lịch hang Múa).
Đến thăm mô hình trồng sen Nhật tại khu du lịch hang Múa. Năm nay huyện Hoa Lư đã phối hợp với doanh nghiệp và các nhà khoa học đưa giống sen Nhật Bách Diệp (7 màu) và sen Nhật nghìn cánh vào trồng trên diện tích 3 ha (ngay cạnh khu du lịch hang Múa) nhằm phục vụ du khách chiêm ngưỡng, đồng thời thu hoạch hoa và đài.
Theo ý kiến của các nhà khoa học đồng đất Ninh Bình phù hợp cho trồng sen với nhiều ruộng trũng, đầm lầy; môi trường lại ít bị ô nhiễm và mong muốn xây dựng Ninh Bình thành vùng trồng sen, tạo ra sản phẩm mới cho ngành du lịch, về lâu dài phát triển thành một trung tâm nghiên cứu sen.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch covid -19 tại bến thuyền Tam Cốc. Ảnh: AT
Tại các điểm đến kiểm tra và tham quan, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến: Đối với tuyến đê Hữu Vạc, đồng ý về chủ trương của huyện, cho lập dự án và bố trí từ nguồn vốn xử lý cấp bách năm 2020. Đối với tuyến đê Vạn Lê-Đồng Triều, đồng ý về chủ trương, lập dự án và bố trí vào nguồn vốn trung hạn.
Về công tác phòng chống dịch Covid - 19 tại bến thuyền Tam Cốc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng trong công tác phòng chống dịch của Ban Quản lý khu du lịch, đồng thời yêu cầu ngành Y tế giám sát, kiểm tra, hướng dẫn bổ sung những vấn đề còn thiếu (hướng dẫn phòng chống dịch bằng tiếng Anh) và không được chủ quan, coi thường.
Với mô hình trồng sen Nhật tại khu du lịch hang Múa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và nhằm tạo ra sản phẩm mới trong ngành du lịch và tăng thu nhập cho người dân. Ngành Nông nghiệp xây dựng mô hình đưa vào chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh.
Theo Sở Y tế Ninh Bình, tính đến ngày 23/02, tất cả 15 ca bệnh nghi ngờ trên địa bàn tỉnh đã được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm đều có kết quả âm tính, trong đó có 14 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; 01 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm mẫu.
*Chiều 24/2, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục đi kiểm tra tình hình sản xuất, công tác phòng chống thiên tai, phòng chống dịch Covid -19 tại thành phố Tam Điệp. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại tuyến đê hữu sông Bến Đang. Ảnh: AT
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn đã đến thị sát thực tế tại 2 công trình trọng điểm phòng chống thiên tai của thành phố cần phải xử lý cấp bách là: tuyến đê Hữu sông Ghềnh (đoạn km 0+900 đến km 1+500), thuộc địa bàn phường Yên Bình và tuyến đê hữu sông Bến Đang (đoạn km15+382 đến km 17+642), phường Tân Bình.
Hiện trạng cả 2 công trình này đều chưa đủ cao trình chống lũ, năm 2017 khi có lũ lớn, nước tràn cục bộ. Thành phố Tam Điệp kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ bố trí nguồn vốn để nâng cao trình đê lên đảm bảo sự vững chắc trong chống lũ và sinh hoạt, giao thông đi lại của nhân dân.
Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng ý về chủ trương và yêu cầu các ngành chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với thành phố Tam Điệp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phù hợp, hiệu quả, lập hồ sơ dự án cho từng công trình cụ thể để trình UBND tỉnh xem xét, đảm bảo công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Thăm mô hình sản xuất giống cây ăn quả tại hộ gia đình bà Lê Thị Thiện, thôn 12, xã Đông Sơn. Tại đây, hiện đang có hơn 1000 cây bố mẹ đầu dòng của nhiều loại cây ăn quả có "tiếng" như: nhãn chín muộn, bưởi diễn, hồng xiêm xoài, ổi đài loan, bưởi phúc trạch, cam không hạt, vải thiều…
Từ các cây bố mẹ này, mỗi năm gia đình sản xuất ra khoảng 10 vạn cây giống các loại, đáp ứng nhu cầu cây giống chất lượng cao cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Do được nhân giống tại chỗ nên, các cây giống thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương cho năng suất, chất lượng quả tốt.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại mô hình nhân giống cây ăn quả.
Đánh giá cao sự năng động, nhiệt huyết của chủ cơ sở sản xuất giống, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục có hỗ trợ cho cơ sở theo tinh thần của Nghị quyết 39 để từ đây có nguồn giống cây ăn quả mới, chất lượng cung cấp cho nhân dân trong tỉnh chuyển đổi, phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến và đoàn công tác đã đi kiểm tra hoạt động sản xuất và công tác phòng chống dịch Covid- 19 tại Công ty xi măng Vicem Tam Điệp và Công ty Cổ phần nhựa y tế Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty xi măng Vicem Tam Điệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nhiều tàu thuyền trong vùng dịch không thể hoạt động được nên khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm có gặp một số khó khăn. Tuy vậy về cơ bản đơn vị vẫn đang sản xuất bình thường, đảm bảo công suất theo yêu cầu.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, Công ty đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế. Theo đó, đã thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ công nhân viên về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống; thực hiện dừng chấm công bằng vân tay. Đồng thời thường xuyên vệ sinh nơi làm việc, tặng mỗi công nhân 1 bịch khẩu trang, bố trí nước rửa tay khô, giao bộ phận y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe của công nhân, và rà soát các đối tượng có đi lại tiếp xúc với những người từ vùng dịch về. Về cơ bản, các cán bộ công nhân viên đều có tinh thần chống dịch tốt.
Tại Công ty CP nhựa y tế Việt Nam, đơn vị này cho biết, hiện tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đang rất khả quan. Doanh thu năm 2019 đạt trên 201 tỷ đồng còn riêng 2 tháng đầu năm là hơn 30 tỷ đồng. Hiện nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật Bản cũng đang tìm hiểu mua hàng của công ty vì vậy dự kiến năm 2020 này, doanh thu tăng trưởng sẽ tăng khoảng 20% tương ứng khoảng 300 tỷ đồng.
Về nguồn nguyên vật liệu sản xuất, công ty đang nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả rập Xê Út, sản lượng trong kho còn đáp ứng sản xuất đến hết tháng 5/2020. Công ty đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện để đơn vị mở rộng thêm nhà xưởng, sản xuất thêm các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Qua kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo Công ty xi măng Vicem Tam Điệp và Công ty CP nhựa y tế Việt Nam báo cáo tình hình, đồng chí chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả sản xuất kinh doanh của 2 đơn vị. Đồng chí mong muốn 2 công ty tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì tốt hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa, thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như tình hình sức khỏe của công nhân lao động để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Mỹ Hạnh- Đinh Chúc- Nguyễn Lựu