* Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, động viên sản xuất đầu xuân Tân Sửu 2021 tại huyện Yên Khánh.
Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Đỗ Việt Anh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; lãnh đạo huyện Yên Khánh.
Đoàn đã đến kiểm tra, động viên sản xuất tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao (thuộc Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG). Hiện nay Công ty đã hoàn thiện đầu tư và đưa vào vận hành 2 dây chuyền sản xuất kính có công suất 1.200 tấn/ngày với công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, cho ra sản phẩm chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Nhật Bản.
Trong năm 2020, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty, sản lượng tiêu thụ giảm, việc nhập khẩu các nguyên liệu cũng gặp khó khăn. Để vượt qua giai đoạn này, Công ty cũng đã phải cắt giảm một số bộ phận lao động trực tiếp. Đại diện Công ty đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh xem xét hỗ trợ để đơn vị được điều chỉnh thời hạn nộp thuế, tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi.
Động viên, tặng quà cho cán bộ, người lao động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà đã biểu dương những nỗ lực của Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra. Đồng chí nhấn mạnh, trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã có nhiều giải pháp chống dịch kịp thời, hiệu quả, chăm lo tốt đời sống cho người lao động, đồng thời ổn định sản xuất, tăng sản lượng. Chia sẻ với những khó khăn mà Công ty đang gặp phải, đồng thời tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành có liên quan xem xét tháo gỡ, giúp đỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất và tạo ra bước phát triển mới trong năm 2021.
Đoàn công tác của tỉnh cũng đã đến thăm mô hình nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGap tại Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ xanh ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh.
Đây là đơn vị được thụ hưởng đề tài khoa học cấp tỉnh do VNPT Ninh Bình cùng Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện trong năm 2019, đưa hệ thống tự động hóa vào quá trình sản xuất nông nghiệp sạch từ khâu sản xuất đến khâu phân phối sản phẩm ra thị trường. Mô hình bước đầu đã được triển khai mang lại hiệu quả tốt, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.
Tiếp đó, đoàn đã đi kiểm tra tiến độ gieo cấy vụ đông xuân tại cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Những năm gần đây Yên Khánh luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong gieo cấy, chăm sóc lúa như gieo mạ khay, cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã mang lại thu nhập cao hơn 13 lần so với cấy lúa truyền thống.
Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, giúp người dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.
Tại các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Yên Khánh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ để nhân dân tích cực nhân rộng và đẩy mạnh sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có lợi cho sức khỏe cộng đồng, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
* Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, động viên sản xuất đầu xuân Tân Sửu 2021 tại huyện Kim Sơn. Cùng đi có các đồng chí: Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Việt Dũng, TVTU, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện Kim Sơn.
Đoàn đã tới động viên, kiểm tra tiến độ thi công Dự án nâng cấp đê hữu Hoàng Long và sông Đáy kết hợp giao thông đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn. Quy mô chính của Dự án này là nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn từ cầu Đen đến cống Như Tân với tổng chiều dài hơn 45 km, tổng mức đầu tư là 3.806 tỷ đồng.
Đến nay, đã thi công cơ bản hoàn thành đoạn từ cầu Đen đến cống Tiên Hoàng và đang tổ chức thi công từ cống Tiên Hoàng đến Km 65+000. Dự kiến tiến độ hoàn thành xong trước 30/4/2021, đảm bảo cao trình chống lũ tiểu mãn. Riêng đoạn từ Km65+00 đến Km68+98,4 và cống Hồi Thuần đang triển khai thủ tục GPMB, dự kiến hoàn thành thi công trong năm 2021.
Tặng quà Tết và gửi lời chúc mừng năm mới tới công nhân, người lao động đang thi công tại công trình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh đây là tuyến đê quốc gia, đặc biệt quan trọng, yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà thầu phải bám sát công trường, huy động nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng cam kết.
Trong thời gian tới, UBND huyện Kim Sơn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng để nhà thầu kịp thi công trước mùa mưa lũ năm 2021.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra, đánh giá tiến độ gieo cấy vụ đông xuân trên địa bàn huyện. Vụ này, Kim Sơn có kế hoạch gieo cấy hơn 8 nghìn ha, trong đó cơ cấu giống lúa thuần, lúa chất lượng cao chiếm trên 90% diện tích. Nhìn chung, đầu vụ thời tiết tốt, nguồn nước dồi dào nên việc làm đất, gieo cấy khá thuận lợi, nhanh chóng. Đến nay, toàn huyện đã cấy được trên 750 ha và dự kiến hoành thành việc gieo cấy trong tháng 2.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã đến thăm mô hình nuôi gà của ông Nguyễn Văn Trọng, xóm 8, xã Thượng Kiệm. Đây là mô hình nuôi gà lấy trứng, sản xuất con giống áp dụng cộng nghệ cao, quy mô 1,8 triệu quả trứng giống/năm và 1,3 triệu con gà giống /năm, sản lượng gà thịt 28 tấn/năm. Doanh thu hàng năm khoảng 18 tỷ đồng.
Thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Trần Văn Kỳ, xóm 5, xã Kim Đông. Mô hình có diện tích ao nuôi 0,63 ha, sản xuất tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm, sản lượng thu hoạch 6 tấn/năm, doanh thu 1,5 tỷ đồng.
Tại các nơi đến thăm, đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, mạnh dạn trong đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào quá trình sản xuất của bà con. Đồng chí cũng chỉ đạo chính quyền địa phương nghiên cứu các chính sách, cơ chế, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân để phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, tạo đà để nông dân hội nhập trong giai đoạn mới. Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu, đồng chí chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn năm mới gặt hái nhiều thắng lợi mới.
* Sáng 19/2, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi thăm và động viên sản xuất đầu xuân tại một số công trình dự án trọng điểm, đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Cùng đi có các đồng chí Lưu Danh Tuyên, TVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư.
Đến thăm và động viên các đơn vị thi công Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn 1) và Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn 2), đoàn công tác của tỉnh đã nghe Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh báo cáo nhanh tình hình triển khai và tiến độ thực hiện.
Theo đó, Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng và được khởi công vào tháng 7/2016. Đến nay đơn vị thi công đã thi công xây lắp với giá trị khối lượng hoàn thành đạt khoảng 300 tỷ đồng. Công tác GPMB đang được đẩy nhanh và đã chi trả 53,4 tỷ đồng tiền GPMB. Ngay sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán, các đơn vị thi công đã huy động máy móc, phương tiện và nhân lực ra quân sản xuất, phấn đấu hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Động viên cán bộ, công nhân, người lao động tại các công trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm của Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công hai dự án đã đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm.
Đồng chí lưu ý, đây là 2 tuyến đường trọng yếu, huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng không chỉ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn là điểm nhấn trong quy hoạch, tạo diện mạo đô thị văn minh hiện đại, hướng tới thành phố du lịch tương lai cho cả thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Vì vậy đồng chí mong muốn với khí thế vui tươi, phấn khởi những ngày đầu năm, tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động các đơn vị thi đua lao động sản xuất đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thi công cũng như phòng chống dịch COVID-19.
Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan, đồng chí giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tổng hợp tiếp thu đầy đủ báo cáo UBND tỉnh đề có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận và tích cực phối hợp thực hiện các dự án đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm, động viên sản xuất tại Nhà máy kéo sợi Lam Giang (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) và Nhà máy sản xuất camera mô-đun và linh kiện điện tử MCNEX Vina (KCN Phúc Sơn).
Năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn đơn hàng không ổn định, song Nhà máy sản xuất camera mô-đun và linh kiện điện tử MCNEX Vina vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Doanh thu năm 2020 của nhà máy đạt 957.175.000 USD (tương đương 22.000 tỷ đồng); nộp ngân sách 52,6 tỷ đồng. Công ty đã nghiêm túc thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về người lao động.
Nhà máy kéo sợi Lam Giang có công suất thiết kế là 14.300 tấn/năm. Hiện nhà máy đang hoạt động ổn định với công suất đạt 9.245,4 tấn/năm. Doanh thu năm 2020 của Nhà máy đạt 542,2 tỷ đồng; số lượng lao động hiện tại là 510 người (chủ yếu là lao động địa phương), với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/tháng, 100% lao động trong độ tuổi được tham gia bảo hiểm xã hội. Năm 2021, Nhà máy có kế hoạch đạt sản lượng 11.300 tấn sợi, doanh thu đạt 845 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/người/ tháng. Để đạt mục tiêu đó, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, 100% công nhân của Nhà máy đã quay trở lại làm việc với khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi.
Qua nghe báo cáo và trao đổi tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty, nhà máy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là lao động địa phương. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID- 19 khiến nguồn nguyên liệu và thị trường biến động nhưng với các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản lượng, doanh thu, việc làm cho người lao động và nộp ngân sách nhà nước.
Không chỉ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch cũng như các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng. Do đó sau tết, số lao động trở lại làm việc đạt trên 98%, cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Đây là sự khởi đầu thuận lợi để bước vào năm Tân Sửu, các doanh nghiệp với những thành công mới rực rỡ hơn.
Nhân dịp năm mới, đồng chí chúc các Công ty ngày càng phát triển thịnh vượng, tiếp tục những bước đi vững chắc trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các Công ty có kế hoạch cụ thể và chiến lược phát triển trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch COVID-19.
Cũng trong chương trình sáng nay, đoàn công tác của tỉnh đã tới thăm, động viên sản xuất một số doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ tại làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư).
Nhóm PV