Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Ngày 18-2-2016, liên Bộ Công thương - Tài chính có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp yêu cầu điều chỉnh giá.
Theo đó, từ 15h, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu không cao hơn mức giá cơ sở, cụ thể: Giá xăng Ron 92 không cao hơn 13.752 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 13.321 đồng/lít; dầu Diezen không cao hơn 9.580 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 8.905 đồng/lít; dầu marut không cao hơn 7.225 đồng/1kg.
Như vậy giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm lần thứ 4 liên tiếp từ đầu năm 2016. Còn nếu tính từ nửa cuối năm 2015 đến nay, giá xăng liên tục đi xuống, giảm 16 lần, tổng cộng gần 8.000 đồng/lít. Giá xăng hiện nay đã về mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009.
Căn cứ tình hình giá xăng dầu nêu trên và ngay sau khi có công văn hỏa tốc của liên Bộ Tài chính - Công thương, Sở Giao thông - Vận tải đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn tỉnh khẩn trương lập phương án giá và kê khai giảm ngay giá cước vận tải bằng xe ô tô. Hồ sơ kê khai lại giá cước gửi về Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, UBND các huyện, thành phố trước ngày 25-2-2016.
Tính đến ngày 1-3, toàn tỉnh đã có 14/14 đơn vị kinh doanh vận tải chạy tuyến cố định và 10/10 hãng taxi đã có phương án giảm giá và nộp hồ sơ kê khai lại giá cước. Điều này cho thấy sự nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp cũng như nỗ lực chia sẻ của các doanh nghiệp với người dân.
Ông Trần Quang Nhương, Giám đốc HTX vận tải ô tô Ninh Bình cho biết: Hiện nay, đơn vị có 60 đầu xe, chạy hầu hết các tuyến trên cả nước. Thực hiện công văn chỉ đạo của Sở Giao thông - Vận tải, HTX đã điều chỉnh giảm giá cước vận tải ở phần lớn các tuyến với mức giảm giá từ 3-7%. Riêng một số tuyến từ các huyện đi Hà Nội, Ninh Bình - Quảng Ninh, Ninh Bình - Sài Gòn thì HTX chưa giảm vì cuối năm 2015, đơn vị đã giảm sâu hơn so với các doanh nghiệp vận tải khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quang Nhương, xăng dầu chỉ là một trong số những yếu tố đầu vào quyết định giá dịch vụ vận tải (chiếm khoảng 35%), trong khi đó, từ đầu năm 2015 đến nay, phí cầu đường đã tăng 15-35%, phí bến bãi cũng tăng tới 10%. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu chạy các tuyến cao tốc cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng, HTX đã đầu tư trang bị một số xe mới, do vậy các doanh nghiệp rất khó giảm giá mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Sự, Trưởng phòng tổ chức nhân sự Hãng taxi Xuân Thành cho biết: Doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước và được Sở Tài chính chấp thuận. Theo đó, giá cước đã giảm từ 6-8% tùy từng loại xe, cụ thể giá xe từ 4-5 chỗ ngồi đã giảm từ 11.800 đồng xuống còn 11.000 đồng cho 25 km đầu và giảm còn 9.700 đồng từ km 26 trở lên.
Đây là một trong những nỗ lực giảm giá cước của đơn vị vì hiện tại, mức chi phí cho mỗi lần doanh nghiệp giảm giá khá cao, đơn cử mỗi lần điều chỉnh giá, đơn vị phải đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ để kẹp lại chì ở đồng hồ công tơ mét mất 88.000 đồng/xe, chi phí thay đổi tem decal quảng cáo mất khoảng 20.000 đồng/xe, đấy là chưa kể thời gian các xe chờ để được kẹp chì...
Với việc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đồng loạt thực hiện giảm giá đã đem lại tin vui cho hành khách. Song, cũng theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải): Mặc dù có nhiều đơn vị vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn đã chủ động rà soát, kê khai giảm giá cước vận tải, song để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như sự bình đẳng của các doanh nghiệp vận tải, Sở sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin từ các doanh nghiệp, nếu đơn vị nào không thực hiện theo phương án giảm đã được Sở Tài chính chấp thuận, Sở sẽ có kiến nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Bài, ảnh: Mai Lan