Tại huyện Nho Quan
Ngay sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh về tình hình mưa úng, lụt trên địa bàn Bắc Bộ và tỉnh Ninh Bình, ban chỉ huy PCLB của huyện đã họp và để triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống, mục tiêu đề ra là phải chống được lũ ở mức 5,15 m (bằng mức lũ cao nhất của năm 2007). Huyện phối hợp với các xã kiểm tra công tác "4 tại chỗ, 5 sẵn sàng" và các công trình thủy lợi xung yếu, phát hiện kịp thời các thiếu sót để có biện pháp xử lý và bổ sung lực lượng cũng như vật chất. Đặc biệt chú ý đến công tác 4 tại chỗ trong dân, hướng dẫn nhân dân kê sàn tránh lũ, đưa tất cả các vật dụng lên cao, chuyển trâu, bò lên đê, bán lợn, sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Huyện đã phát dự lệnh để nhân dân sẵn sàng chuẩn bị cho việc lũ lớn về. Tại các tràn Gia Tường, Đức Long từ 1 h ngày 1/11 tăng cường thêm lực lượng ứng trực sẵn sàng đối phó khi nước tràn: Gia Tường bổ sung 150 người, Đức Long 120 người, triển khai đắp cao trạch đất tràn Đức Long, Gia Tường. Phối hợp với các đơn vị thuộc Quân đoàn I và lực lượng công an triển khai hỗ trợ bảo vệ tràn, mỗi tràn bố trí 120 người (trong đó công an tỉnh 70 người, công an huyện 20 người, các đơn vị quân đội 140 người, huyện đội 30 người). Huy động 400 m3 cát, 100 m3 đá, 500 cọc tre, 480 m2 bạt phủ tràn, 10.000 chiếc bao tải và nhiều vật dụng khác để chống tràn. Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đã về chỉ đạo trực tiếp công tác PCLB &TKCN tại khu vực 2 tràn Đức Long và Gia Tường.
Do mực nước lên nhanh đến 4h30 ngày 1/11, các tràn Đức Long, Gia Tường đều tự tràn. Ngay sau khi nước tràn, Huyện đã triển khai khẩn cấp các phương án cứu hộ, cứu nạn. Tập trung sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng lụt đến nơi an toàn. Đưa lực lượng y tế và cơ số thuốc cần thiết đến vùng lụt để ứng cứu kịp thời (mỗi xã bị lụt 2 cơ số); cấp 5 tạ ClorominB, 100.000 viên ClorominB, 5 tạ keo tụ nước trong, 26.000 gói thuốc nước ăn chân và 20.000 lọ thuốc đau mắt cho nhân dân vùng lụt. Thành lập 6 đoàn công tác xuống cơ sở để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, trong đó 4 tổ trực tiếp xuống vùng lụt và 2 tổ cơ động. Vận chuyển kịp thời 100 thùng mì tôm, 100 thùng nước uống để cứu trợ.
Theo thống kê sơ bộ về tình hình thiệt hại thì đã có 1 người bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ là chiến sỹ thuộc trung đoàn 202, 1 xe công nông bị cuốn trôi, 2.331 ha cây vụ đông bị ngập úng, thiệt hại 446,16 ha nuôi trồng thủy sản, quai đê sạt lở 6,13 km, kênh cứng bị vỡ 378 m, kênh nội đồng bị bồi lấp 2,2 km, sạt lở 6,63 km đường giao thông, 200 m đường ĐT 477 bị ngập sâu. Số nhà dân bị ngập úng là 4.854 hộ với 19. 238 khẩu trong đó: Lạc Vân 477 hộ, Đức Long 950 hộ, Gia Tường 1.200 hộ, Gia Lâm 376 hộ, Gia Sơn 143 hộ, Gia Thủy 1.256 hộ, Xích Thổ 452 hộ.
Đồng chí Quách Cương, trưởng ban PCLB huyện Nho Quan cho biết: chúng tôi vui mừng thông báo, mặc dù tình hình thiên tai lũ lụt như vậy nhưng do chủ động đối phó nên đến thời điểm này chưa có một trường hợp thiệt hại về người nào đáng tiếc xảy ra, chưa có người dân nào bị đói, an ninh trật tự được giữ vững.
Ngay trong chiều ngày 1/11 đoàn cứu trợ của huyện, phối hợp cùng với công ty Vinakansai đã kịp thời đi phân phát hàng cứu trợ cho 5 xã gồm Đức Long, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lâm, Xích Thổ với tổng số hàng cứu trợ là: 2000 thùng mì tôm, 1000 thùng lương khô, 30 thùng nước khoáng và 320 lít dầu hỏa.
Về xã Lạc Vân, hai thôn Cẩm Địa và Tứ Mỹ ngập toàn bộ, trường học, trạm y tế cũng bị ngập, 78 ha cây vụ đông cơ bản không cứu được. Đồng chí Nguyễn Cao Hòa thành viên ban PCLB xã cho biết: mục tiêu số 1 của xã là đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và thuyền. Các gia đình khó khăn, neo đơn, các hộ chính sách được quan tâm.
Tại xã Đức Long tôi gặp Anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ trạm y tế lưu động của huyện, anh cho biết: nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu là thực hiện sơ cứu ban đầu cho nhân dân nhưng hiện tại đến thời điểm này thì vẫn im ắng, chưa phải đón nhận trường hợp cấp cứu nào.
Tại huyện Gia Viễn
Đồng chí Nguyễn Văn Lanh, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: Để chủ động đối phó với mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB & TKCN đã ban hành công điện chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ, úng. Tăng cường công tác kiểm tra công trình, đảm bảo an toàn cho các đê điều, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng xả lũ, vùng ngoài đê. Kiểm tra và hướng dẫn giao thông tại các bến đò ngang. Chi nhánh điện huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất, trong đó ưu tiên nguồn điện cho việc bơm tiêu nước đệm, tiêu úng. Sáng ngày 31/10, huyện đã chỉ đạo phân ban 3 khu vực Hữu sông Hoàng Long triển khai ngay phương án chống lũ. Tỉnh, huyện đã huy động các lực lượng gồm: gần 400 bộ đội, 50 công an và gần 1.000 lượt người là lực lượng xung kích các xã và 17.000 bao tải, 1.000 m3 cát, 3.500 m2 bạt chắn sóng để chống tràn Lạc Khoái với quyết tâm giữ tràn nhằm giảm thiệt hại cho nhân dân trong vùng. Do lượng mưa quá lớn đã làm ngập úng 2.200 ha cây vụ đông. Công ty KTCTTL huy động mọi lực lượng, phương tiện máy bơm các loại và các máy dầu trong nhân dân để bơm nước tiêu úng bảo vệ cây vụ đông. Tuy nhiên, do nước sông Hoàng Long lên cao việc bơm tiêu úng gặp rất nhiều khó khăn, huyện đã chỉ đã các xã khoanh vùng tiêu và huy động máy bơm dầu của nhân dân bơm tiêu cục bộ cho cây vụ đông. Tính đến sáng ngày 2/11, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho huyện 200 thùng lương khô, 120 thùng nước uống và 2.000 chiếc bánh mỳ…để phục vụ công tác chống tràn.
Tại huyện Yên Khánh
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết, do ảnh hưởng của những trận mưa liên tiếp trong những ngày qua với cường độ gần 200 mm đã làm cho 3.645 ha cây đông (chiếm 74% tổng diện tích) của Yên Khánh bị ngập úng. Trong đó, có 2.487 ha chủ yếu là cây đậu tương trên đất 2 lúa bị ngập trắng với nguy cơ mất trắng khoảng 30-40%, diện tích còn lại gồm các loại cây ngô, khoai tây, bí xanh….khoảng 1.158 ha cũng đã bị ngập mặt luống. Kinh nghiệm trồng cây vụ đông của Yên Khánh cho thấy, mặc dù chưa bị ngập trắng như cây đậu tương nhưng diện tích bí xanh, dưa và khoai tây của huyện sẽ có nguy cơ cao hơn do sức chống chịu của các cây này tương đối kém. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBDN huyện đã yêu cầu Thường vụ phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách xã và trưởng các phòng, ban, đoàn thể nhanh chóng xuống các xã, thị trấn nắm tình hình trực tiếp chỉ đạo chống úng. Huyện đã huy động 429 máy bơm của các HTX ( 51 máy bơm điện và 378 máy bơm dầu) cùng tất cả máy bơm của đội KTCCTTL huyện tiến hành bơm nước tiêu úng suốt ngày đêm. Đồng thời chỉ đạo các xã, HTX cử người tiến hành trực tại các cống để ngay khi thủy triều xuống sẽ mở cống tiêu nước trên kênh. Các HTX, đội sản xuất huy động xã viên xuống đồng khơi thông dòng chảy, tạo rãnh thoát nước, tiến hành đắp bờ, bơm tát cục bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do ngập úng gây ra. Bên cạnh đó, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã chuẩn bị hướng dẫn chăm sóc cây đông cho bà con nông dân sau khi nước rút. Theo đó, ngay sau khi tiêu cạn nước huyện sẽ chỉ đạo bà con tiến hành chăm sóc ngay bằng lân và phân qua lá. Đối với những diện tích bị mất trắng và chưa gieo trồng sẽ chỉ đạo bà con trồng khoai tây và rau màu ngắn ngày theo khung thời vụ cho phép.
Nhóm PV Kinh tế