Tuy nhiên, không vì thế mà công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi được các địa phương, các đơn vị y tế trong tỉnh xem nhẹ.
Thành phố Ninh Bình là địa phương có một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh sởi. Qua điều tra từ Trạm Y tế phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) nơi gia đình cháu bé cư trú, nguyên nhân chính khiến cháu mắc sởi lại xuất phát từ lý do gia đình chưa cho con đi tiêm vắc-xin sởi khi cháu được 9 tháng tuổi. Chính vì vậy, khi cháu bé có các dấu hiệu của bệnh sởi, ban đầu gia đình không hiểu con mình bị bệnh gì trong khi cháu mới 11 tháng tuổi, lại chủ yếu ở trong nhà. Đến khi đưa con vào viện, được các bác sỹ thăm khám, chẩn đoán, làm các xét nghiệm, khẳng định cháu bé mắc sởi, gia đình lúc đó mới thấy hối hận vì đã không cho con tiêm vắc-xin phòng sởi.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Dụ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố: Trước tình hình xuất hiện 1 trường hợp mắc sởi, để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với Trạm Y tế phường Tân Thành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện những ca bệnh mới. Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông để các gia đình, nhất là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ có thêm hiểu biết để thực hiện tốt việc đưa con đi tiêm phòng sởi. Trạm cũng tiến hành rà soát tất cả các trường hợp trẻ em trong độ tuổi tiêm phòng vắc-xin sởi trên địa bàn để nhắc nhở, thông báo cho các gia đình sự cần thiết phải đưa con đi tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh.
Đối với Trung tâm Y tế thành phố, ngay từ khi có thông tin về tình hình dịch sởi tại các địa phương trong cả nước, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sởi, tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch tại các xã, phường thông qua các hoạt động: tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, cung cấp kiến thức để mọi người có thể nhận biết các dấu hiệu bệnh, chủ động đưa người mắc sởi đến các cơ sở y tế sớm để việc điều trị được tiến hành kịp thời. Trong đó, đặc biệt chú ý tuyên truyền để các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có con nhỏ quan tâm đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các mũi, trong đó có tiêm vắc-xin sởi đúng lịch vào lúc trẻ đủ 9- 11 tháng tuổi và khi trẻ đủ 18-22 tháng tuổi. Qua thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, hiện số trẻ em được tiêm phòng sởi trên địa bàn mới đạt tỷ lệ 85%, trong đó tỷ lệ trẻ tiêm mũi 1 đạt khoảng 90%, tiêm mũi 2 đạt 80%.
Tại huyện Yên Mô, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh sởi nói riêng được ngành Y tế huyện quan tâm sát sao. Nhận thức rõ thời điểm thời tiết ẩm thấp là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh giao mùa, trong đó có bệnh sởi, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực, chủ động phòng, chống dịch bệnh thông qua việc hướng dẫn, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là trẻ nhỏ…
Đặc biệt, để giúp người dân nắm bắt được tình hình dịch sởi, các trạm y tế xã, thị trấn đều chuẩn bị các nội dung tuyên truyền để phát trên đài truyền thanh của xã, phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Nhiều trạm y tế xã còn trực tiếp đến tận các gia đình có trẻ nhỏ có những dấu hiệu nghi mắc sởi để tuyên truyền, hướng dẫn gia đình không nên tự ý chữa theo cách dân gian, nên đưa trẻ mắc bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị đúng bệnh.
Tại Trung tâm Y tế huyện và tại các trạm y tế xã, thị trấn, các cơ số thuốc, nhân lực, vật lực đều được chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch sởi. Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện, thời tiết giao mùa cũng là thời điểm Bệnh viện tiếp nhận khá đông bệnh nhân.
Bác sỹ Tô Ngọc Đĩnh, Trưởng khoa Nhi - Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Thời gian này, do thời tiết thay đổi thất thường nên số lượng bệnh nhân vào nhập viện tăng gấp đôi bình thường. Do đó, Bệnh viện đã có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị để đón tiếp và điều trị kịp thời cho các trường hợp mắc bệnh sởi. Trong đó, Bệnh viện đã bố trí các khu vực cách ly, giường bệnh…để khi xuất hiện trường hợp mắc sởi sẽ có điều kiện cách ly, theo dõi, không để dịch sởi lây lan ra diện rộng.
Vừa qua, Yên Mô phát hiện 1 trường hợp bệnh nhân mắc sởi. Ngay khi phát hiện và tư vấn, hướng dẫn gia đình người bệnh vào nhập viện điều trị, đến nay bệnh nhân đã khỏi bệnh. Từ ca bệnh này, do làm tốt công tác giám sát, thông tin báo cáo dịch từ cơ sở nên đến nay trên địa bàn huyện chưa xuất hiện trường hợp nào mắc sởi.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện nay một số tỉnh, thành phố trong cả nước bùng phát dịch sởi. Do đó, các gia đình chú ý không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là đến các địa phương đang có dịch sởi. Khi phát hiện thấy con em mình có những biểu hiện như: sốt, viêm đường hô hấp trên, chảy nước mắt, nước mũi, phát ban từ đầu rồi lan dần xuống chân, nốt ban sờ mịn như nhung… cần phải đưa ngay người mắc bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Đặc biệt, với những gia đình có trẻ nhỏ đang trong đội tuổi tiêm phòng, cần thiết phải đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Bài, ảnh: Bùi Diệu