* Đồng chí Trần Anh Khôi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Thực hiện Công điện số 06 ngày 13/8/2018 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kim Sơn đã có công điện yêu cầu các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các tiểu khu, các xã, thị trấn; Đồn Biên phòng Kim Sơn và các cơ quan, đơn vị triển khai ngay một số nhiệm vụ cấp thiết để ứng phó với cơn bão số 4.
Trong đó yêu cầu việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Đồn Biên phòng Kim Sơn cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tiểu khu, các xã, thị trấn cần tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, sẵn sàng phương án hậu phương và di dân vùng ven biển khi có lệnh.
Để đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy, huyện yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng thường xuyên kiểm tra hoạt động giao thông tại các bến đò ngang. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có bến đò ngang chịu trách nhiệm về hoạt động giao thông của các bến đò trên địa bàn mình phụ trách.
Huyện Kim Sơn cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, thủy sản hướng dẫn nhân dân có biện pháp bảo vệ diện tích lúa, ao đầm vùng nuôi trồng thủy sản khi có thông tin bão đổ bộ vào địa bàn. Vụ mùa năm 2018, toàn huyện gieo cấy gần 8.200 ha lúa, trong đó diện tích gieo cấy của các xã gần 7.800ha, diện tích gieo cấy của Công ty TNHH MTV Bình Minh khoảng 430ha.
Do đợt mưa kéo dài từ ngày 13/7 đến 30/7/2018 với tổng lượng mưa cả đợt là 422mm, kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện nên đến ngày 7/8/2018 trên địa bàn huyện đã cơ bản cấy xong, chậm hơn so với kế hoạch sản xuất là 13 ngày.
Đến nay thời vụ gieo cấy lúa mùa đã hết, để đảm bảo vụ mùa đạt kết quả cao, huyện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, UBND các xã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, tổ chức khơi thông dòng chảy để bơm tát chống úng khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để lúa bị ngập úng.
Hơn thế, để công tác bơm tiêu úng được triển khai nhanh và đồng bộ, huyện đã có thông báo phối hợp với Điện lực Kim Sơn đảm bảo việc cấp điện để phục vụ công tác bơm tiêu chống úng, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động công tác tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống đề phòng mưa lớn và triển khai các biện pháp chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mùa. Bên cạnh đó, tất cả các đơn vị phải tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.
Tính đến thời điểm 11 giờ ngày 15/8/2018, toàn bộ các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương trong toàn huyện đã nhận được Công điện số 04 của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kim Sơn. Đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Hiện nay, xã đang tập trung cho công tác tuyên truyền, thông báo về tình hình và diễn biến của cơn bão số 4 tới nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh của xã.
Qua đó vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, che chắn các ao đầm nuôi thủy sản. Huy động lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ theo phương án PCTT và TKCN của xã, đồng thời tổ chức trực ban để sẵn sàng triển khai các lệnh điều động hoặc phương án di dân mà Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp trên yêu cầu.
* Tại huyện Gia Viễn, ngày 13/8, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Gia Viễn đã ban hành Công văn số 06 về việc chủ động ứng phó với mưa, lũ các sông trên địa bàn huyện.
Trạm bơm Gia Viễn sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Ảnh: MĐ
Theo đó, để chủ động công tác phòng, chống lũ trên sông Hoàng Long và tiêu úng bảo vệ sản xuất và dân sinh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn; Chi nhánh KTCTTL huyện Gia Viễn; Hạt quản lý đê Hoàng Long triển khai thực hiện nghiêm túc công điện của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc mở cửa xả đáy của hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình; diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 4 trên hệ thống Đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn để người dân biết và chủ động phòng tránh.
Các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã giao khẩn trương rà soát phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ khi có yêu cầu để đảm bảo an toàn cho đê điều, âu, tràn cống dưới đê…Kiểm tra nạo vét khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh tiêu nội đồng để đảm bảo tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Theo đồng chí Đinh Mạnh Tình, Phó Chi nhánh Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện: Ngay sau khi có Công văn của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Chi nhánh đã chủ động triển khai phương án chống úng. Trên địa bàn huyện có 14 trạm bơm tiêu lên kế hoạch trực 24/24h, đồng loạt vận hành tiêu vét nước đệm trên các hệ thống kênh tiêu chính. Cùng với đó, Chi nhánh phối hợp với UBND các xã, thị trấn giải tỏa đăng đó, các vật cản trên các trục kênh tiêu để đảm bảo tiêu úng kịp thời.
Đối với các công trình thủy lợi còn đang thi công dang dở, Ban quản lý dự án Xây dựng huyện kiểm tra đôn đốc các nhà thầu thi công các dự án liên quan đến hệ thống cống, kênh tiêu nạo vét khơi thông dòng chảy để đảm bảo tiêu úng là "ưu tiên số 1".
Công văn nêu rõ, trong quá trình tiêu úng, đơn vị nào để xảy ra úng cục bộ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
* Tại huyện Nho Quan, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn huyện Nho Quan sẽ có mưa to đến rất to. Ngoài ra kết hợp với việc mở 2 cửa xả đáy ở hồ Hòa Bình và 1 cửa xả đáy ở hồ Sơn La dự báo trong những ngày tới hồ Hòa Bình có thể phải mở thêm các cửa xả đáy sẽ làm cho mực nước trên sông Hoàng Long dâng cao.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Để chủ động phòng chống bão số 4 và tình huống lũ thượng nguồn đổ về, UBND huyện Nho Quan đã phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị có liên quan xây dựng quy trình vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa.
Đồng thời Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành bảo dưỡng các máy, thiết bị đóng, mở cửa van điều tiết lũ, sửa chữa các hạng mục liên quan đến việc xả lũ và trữ nước của hồ Đồng Chương. Khẩn trương sửa chữa hệ thống điện, động cơ vận hành thiết bị nâng hạ cánh van điều tiết lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đập.
Hiện mực nước tại hồ Đồng Chương vẫn đang ở mức cao, do vậy UBND huyện cũng đã thông báo phương án xả lũ tại hồ Đồng Chương đến các hộ dân để chủ động sơ tán người và di dời tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra, đảm bảo an toàn các khu dân cư thuộc các xã Phú Lộc, Phú Long...
Bên cạnh đó, một số tuyến đê bao đã sạt lở, rò rỉ, huyện cùng với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tiến hành kiểm tra những đoạn rò rỉ, lắp đặt một số ống dẫn nước, không để nước chảy tràn trên thân đập gây sạt lở, tu sửa đê bao chắn đất chân núi đồi Rồng tránh sạt lở khi có mưa lớn xảy ra…
Đối với toàn bộ hồ chứa và các tuyến đê bao của huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tiến hành kiểm tra, xử lý và thực hiện phương án đã được phê duyệt về đảm bảo an toàn các hồ chứa, điều tiết kịp thời, hợp lý nước nội đồng, nhất là trong tình huống xảy ra lũ khẩn cấp.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị duy trì tốt công tác "4 tại chỗ", trong đó chú trọng nguồn nhân lực để kịp thời ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Các ngành phối hợp với địa phương kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang và các tuyến giao thông trong mưa lũ.
Để chủ động phòng chống cơn bão số 4, mưa lớn và lũ thượng nguồn trên các sông và lũ trên sông Hoàng Long, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Nho Quan đã có công điện chỉ đạo các phân ban của huyện và các xã, thị trấn tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, đặc biệt là thông tin về mưa bão, lũ trên sông Hoàng Long. Kịp thời thông tin diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn và các biện pháp phòng, chống để nhân dân biết, cảnh giác và chủ động phòng chống, tránh chủ quan, lơ là.
Với đặc điểm địa hình phức tạp có cả vùng trũng, vùng núi, do đó huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét đến nơi an toàn. Đối với những xã Gia Tường, Đức Long... chủ động phương án di dân nếu trường hợp phải xử lý vận hành xả tràn Đức Long, Lạc Khoái. Các lực lượng sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Nho Quan cũng yêu cầu điện lực phối hợp với Chi nhánh Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra, rà soát lại hệ thống điện phục vụ các trạm bơm để đảm bảo yêu cầu vận hành khi cần thiết.
Nhóm PV