Theo bà Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, kể từ khi thực hiện cơ chế ủy thác cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, đến nay, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện nhiều giải pháp để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Trong đó, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, về tín dụng ưu đãi đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội phụ nữ các cấp chú trọng thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, xóm.
Tổ TK&VV có nhiệm vụ tuyên truyền, động viên chị em trong tổ tham gia gửi tiết kiệm, nghĩa vụ trả gốc, lãi theo quy định, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tổ chức cuộc sống gia đình.
Trong việc bình xét cho vay vốn, Hội Phụ nữ cơ sở tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Việc bình xét đối tượng vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ.
Khi có nguồn vốn, Hội phụ nữ các cấp phối hợp với NHCSXH giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng và trực tiếp thu lãi hàng tháng, đôn đốc hội viên trả gốc khi đến hạn. Nhiều trường hợp chị em vay vốn gặp khó khăn, Hội đã vận động mọi thành viên trong nhóm giúp đỡ để trả gốc, lãi đúng kỳ hạn. Những trường hợp có biểu hiện nợ chây ỳ, khó đòi, cán bộ hội đã kiên trì vận động để đảm bảo thu hồi đúng hạn. Do vậy, nợ quá hạn của phụ nữ thấp.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xác định người nghèo thường là nghèo vốn và nghèo cả kiến thức làm kinh tế. Vì vậy, để giúp các hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, các cấp Hội rất coi trọng việc hướng dẫn thành viên vay vốn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh.
Hàng năm, Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo loại cây trồng, con nuôi, loại hình sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ. Việc chuyển giao KHKT không chỉ tổ chức ở cấp xã mà còn tổ chức ở chi hội, thôn, xóm.
Một số chị em phụ nữ chậm chạp hơn về sự tính toán làm ăn thì Hội cử người cầm tay chỉ việc. Hội Phụ nữ còn tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm tiểu thủ công nghiệp cho phụ nữ như: thêu, chế biến cói, đan bèo khô, lúa non, chẻ tăm hương... giúp phụ nữ tăng thu nhập.
Để giúp cán bộ Hội làm tốt nhiệm vụ ủy thác, hàng năm Hội phụ nữ các cấp phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn về quản lý tín dụng cho cán bộ Hội từ chủ tịch Hội Phụ nữ xã đến cán bộ chi hội và tổ trưởng tổ vay vốn.
Cùng với đó, các cấp Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cách quản lý của cán bộ và tổ chức hội cơ sở, kiểm tra, đối chiếu việc sử dụng vốn của các hộ vay; phối hợp với NHCSXH tổ chức đối thoại giải đáp các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn vay.
Với những giải pháp trên, hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi được 100% cơ sở hội tham gia thực hiện. Đến 31/8/2017, số dư tiền gửi tiết kiệm tại các Tổ TK&VV do Hội phụ nữ quản lý là 17,2 tỷ đồng, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi là 837 tỷ đồng với trên 31 nghìn lượt hộ vay, nợ quá hạn là 2,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,27% tổng dư nợ do Hội Phụ nữ quản lý.
Vốn vay được giải ngân đúng đối tượng, hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với việc hỗ trợ vốn của Ngân hàng, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp 9.453 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 7.566 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ; giải quyết cho hàng nghìn lao động có thêm việc làm.
Hồng Giang