Ông Đinh Bá Tải tham gia phong trào cách mạng ở quê hương Gia Hòa (Gia Viễn) nơi ông sinh ra và lớn lên từ rất sớm. Năm 1941, học xong sơ học yếu lược, được sự giác ngộ và dìu dắt của người anh rể là đảng viên, ông Tải đã tham gia hoạt động trong đội thiếu niên rồi thanh niên cứu quốc, tự vệ chiến đấu, dạy bình dân học vụ…
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông thoát ly gia đình đi công tác. Từ thời điểm đó, ông đã biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính yêu đối với người đã vì dân tộc, bôn ba khắp nơi tìm ra con đường cứu nước.
Từ trình độ sơ học yếu lược, ông đã tự học, nghiên cứu, vươn lên, tham gia các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng ở địa phương như: Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBHC huyện Gia Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy Trung tâm trâu sữa Phùng Thượng…
Khi đến tuổi nghỉ hưu trở về địa phương, cùng với việc tham gia công việc của gia đình, dòng họ, ông nhiệt tình tham gia việc xóm, phố và là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự đoàn kết, gắn bó trong tổ chức Đảng ở nơi ông cư trú. Chính từ nhiệt tình, tâm huyết của ông mà sau đó tổ chức Đảng có nhiều chuyển biến tích cực và ông đã nhận được sự tín nhiệm, tin yêu của nhiều đồng chí và nhân dân trong khu phố, trong thị trấn.
Bao năm qua ông vẫn giữ được thói quen đọc sách, báo và lưu giữ cẩn thận những quyển sách, tờ báo đã đọc. Thói quen đó đã giúp ông khi đến với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã có sự quan tâm và niềm say mê, hứng khởi đặc biệt. Với suy nghĩ: Muốn làm theo Bác thì phải hiểu được tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, nên từ năm 1990 ông đã lưu giữ và sưu tầm rất nhiều hình ảnh, tài liệu, các bài báo về Bác.
Ông tâm sự: Ngay từ khi còn trẻ, được nghe câu chuyện "Đôi dép Bác Hồ", tôi đã thấm thía những bài học được gửi gắm trong câu chuyện và rút ra cho mình những điều cần học, cần phải làm theo. Khi Cuộc vận động được triển khai đến chi bộ, ông cùng các đảng viên trong chi bộ đã thảo luận sôi nổi về cách làm và cách học tập như thế nào sao cho thiết thực, hiệu quả đối với chi bộ, đặc biệt là đảng viên cao tuổi.
Chi bộ phố Thống Nhất nơi ông sinh hoạt tuy có nhiều đảng viên cao tuổi nhưng việc học tập không hề bị sao nhãng mà nhiều đồng chí vẫn tích cực đọc báo, trao đổi những vấn đề báo nêu để liên hệ với thực tế tại địa phương…
Đối với bản thân ông, thói quen đã giúp ông duy trì nếp đọc báo hàng ngày. Báo Nhân Dân, Báo Ninh Bình là những tờ báo ông không thể bỏ qua hàng ngày. Đọc và suy ngẫm những bài báo, ông còn chọn lọc ra nhiều bài viết, nhất là các bài viết của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đăng trên Báo Nhân Dân về việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đọc những nội dung ông viết về: Học là nghĩa vụ của đảng viên, vào Đảng để làm đầy tớ nhân dân, nhớ lời Bác dạy, đạo đức cách mạng, phải giữ kỷ luật, phải rèn luyện tính Đảng… mới thấm thía những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ ngày nay là hết sức ý nghĩa và cần thiết.
Lần giở từng trang ông viết, có những tập ông sử dụng toàn những tờ giấy đã in một mặt chữ, ông tiết kiệm và tận dụng mặt còn lại để viết. Ông bảo: Đó cũng là một cách tiết kiệm. Xem bài viết gần nhất mà ông đã chép tay là ngày 11-4-2009, có thể nhận thấy việc đọc báo và viết ra những nội dung tâm đắc không chỉ là công việc hàng ngày mà còn là tâm huyết, là niềm đam mê của ông.
Từ năm 2007 đến nay, cùng với Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, hơn 2 năm cũng là quãng thời gian số trang ông viết tay cứ dần dầy lên theo năm tháng. Năm 2007, ông đã viết 22 bài, năm 2008 viết 48 bài và từ đầu năm 2009 đến nay, ông viết được 27 bài. Mỗi năm ông sắp xếp các bài viết thành từng tập một. Ba tập viết nhưng chứa đựng trong đó bao suy tư, tình cảm, trách nhiệm và lòng kính yêu vô bờ bến của ông đối với Bác Hồ. Cùng với việc nghiên cứu và viết các nội dung về Cuộc vận động, ông còn tích cực tham gia thảo luận cùng các đảng viên trong chi bộ về nội dung học tập, tham gia nói chuyện, sử dụng tài liệu mình lưu giữ được làm tài liệu quan trọng để tuyên truyền, vận động, giúp cho nhiều thanh niên trong phố tích cực học và làm theo lời Bác…
Tâm sự với chúng tôi về quãng thời gian đã qua và những việc mình đã làm, ông bảo, ông luôn ghi nhớ câu nói "không giữ gìn được thì tự mình là kẻ thù của mình". Chính vì vậy mà việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được ông tâm niệm thực hiện trong suốt cả cuộc đời.
Bài, ảnh: Phan Hiếu