Dấu ấn của các doanh nghiệp chế biến nông sản
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, nông sản Việt Nam được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Vì vậy, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị xuất khẩu là hướng đi mà Ninh Bình đã lựa chọn cách đây hàng chục năm. Bằng việc, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản.
Đến nay, tỉnh ta đã có những doanh nghiệp xuất khẩu tạo được thương hiệu lớn trong làng xuất khẩu nông sản Việt Nam. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) là một điển hình. Tiền thân là Nông trường quốc doanh, đến nay Doveco đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị đứng đầu trong ngành sản xuất, chế biến nông sản của cả nước, xuất khẩu nông sản ra 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mông Cổ,... DOVECO sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất hiện nay tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, trong đó Nhà máy ở Ninh Bình có công suất chế biến 32.000 tấn sản phẩm/năm.
Hai năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID- 19, song Công ty vẫn có bước tăng trưởng mạnh và là đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường EU, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sản phẩm chủ yếu gồm các loại rau quả cô đặc, đông lạnh, đóng hộp. Anh Dương Văn Mừng, một công nhân của Công ty cho biết: "Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào khi quả dứa của chúng tôi làm ra, thông qua chế biến, đến được tay người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới". Non trẻ và nhỏ bé hơn DOVECO, nhưng sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh cũng đã tìm cho mình chỗ đứng trên thị trường nông sản thế giới. Mỗi năm Việt Xanh xuất vào thị trường Nga, Kazakhtan, Belarus,... hàng nghìn công-ten-nơ hàng nông sản chế biến, giá trị gần 100 tỷ đồng (tăng 8 lần so với năm 2010).
Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Có được kết quả đó, trước hết là nhờ chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung của tỉnh cách đây nhiều năm. Về phía Công ty, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu của địa phương, đồng thời với việc không ngừng cải tiến đổi mới công nghệ, đưa các dây chuyền hiện đại vào trong hoạt động sản xuất chế biến đã giúp các đơn hàng không ngừng gia tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu đưa các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh tiêu thụ trong và ngoài nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từng bước đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững.
Ngoài Doveco, Việt Xanh, trên địa bàn tỉnh còn có Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Công ty CP Thực phẩm Á Châu... Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, tuy nhiên có thể khẳng định các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản lại có đóng góp vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho hàng vạn nông dân.
Tăng trưởng gấp nghìn lần sau 30 năm
Nếu như năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, kim ngạch xuất khẩu của Ninh Bình mới đạt 2,5 triệu USD thì đến năm 2021, con số này là 2.965,6 triệu USD (tăng 1.186 lần). Hàng hóa của Ninh Bình đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và gia công thuần túy. Tiếp cận được cả các khu vực thị trường được coi là "khó tính" nhất trên thế giới, nơi áp dụng những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu như: EU, Nhật Bản, Mỹ... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ninh Bình là: Camera modul, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo, xi măng - clanke... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn cũng đã đi đầu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Có được kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nêu trên là hệ quả của nhiều yếu tố. Trước hết là các chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ; việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Về phía Sở Công Thương, thời gian qua, ngành đã thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin thị trường, phổ biến, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực thi, tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Giai đoạn tới, Ninh Bình đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, tăng bình quân 7,8%/ năm và giá trị đạt tối thiểu 3,2 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, xác định các mặt hàng chủ lực sẽ là các sản phẩm như camera modul, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, da giày, may mặc, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ... nhắm tới các thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu.
Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp mà tỉnh đưa ra là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư từ các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam vào các ngành như: sản phẩm công nghệ cao; thiết bị điện - điện tử, linh kiện ô tô... Triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, trong đó duy trì, vận hành có hiệu quả hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia. Không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển các loại hình dịch vụ logistics. Xuất khẩu tăng trưởng tốt sẽ trở thành động lực làm gia tăng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Nguyễn Lựu