Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, phóng viên báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội. Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Chặng đường 2011-2015 đã kết thúc với nhiều thành tựu nổi bật trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh ta. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,39% đầu năm 2011 xuống còn 3,92% (cuối năm 2014) và hiện toàn tỉnh chỉ còn 11 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,35%. Điều kiện sống của người nghèo đã được cải thiện rõ rệt. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản đã được đáp ứng như: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… giúp họ tiếp cận tốt hơn với các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể "chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020", xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về Quyết định này?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Những năm trước đây, nghèo đói thường được đo lường thông qua thu nhập hoặc chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Người nghèo hay hộ nghèo là những đối tượng có mức thu nhập hoặc chi tiêu thấp hơn chuẩn nghèo. Đây là một trong các phương pháp tính chuẩn nghèo thu nhập được các tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến sự phân loại đối tượng, đánh giá mức độ và nguyên nhân nghèo đói chưa thực sự chính xác vì chưa phản ánh được đầy đủ các nhu cầu cơ bản cũng như thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, lại được duy trì trong cả giai đoạn trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng hàng năm đều tăng, dẫn đến giá trị chuẩn nghèo không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân. Đồng thời, các chính sách giảm nghèo được xây dựng dựa trên tiêu chí thu nhập chủ yếu nhằm xử lý vấn đề thiếu tiền và khả năng chi trả dịch vụ, do vậy chưa thực sự tác động đến các nguyên nhân khác của nghèo đói như vấn đề khó tiếp cận dịch vụ, dịch vụ không sẵn có hoặc không phù hợp, nhận thức chưa đúng và thiếu chủ động từ phía người dân…
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, bền vững hơn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể "chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020" và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm: tiêu chí thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Với tiêu chí về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị là 1.300.000 đồng/người/tháng. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí (nhà tiêu) hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin...
PV: Đến nay, việc triển khai cuộc tổng rà soát hộ nghèo theo phương pháp mới ở tỉnh ta đã được thực hiện như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng điều tra được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh, thực hiện kết hợp nhiều phương pháp như: đăng ký của người dân; nhận dạng và phân loại nhanh; ước lượng thu nhập, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân… đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng. Để việc tổng điều tra, rà soát về hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn mới được triển khai hiệu quả, ngay khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đợt tổng điều tra được triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại cấp cơ sở để người dân biết và tham gia thực hiện.
Lực lượng giám sát, điều tra viên tại cơ sở được kiện toàn, họ là những người có kinh nghiệm điều tra, rà soát. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được triển khai kịp thời, giúp đội ngũ điều tra viên nắm bắt rõ những nội dung hướng dẫn kiến thức về chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, phương pháp tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 như: phương pháp sử dụng các biểu mẫu phiếu điều tra, quy trình các bước thực hiện; cập nhật thông tin chi tiết về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý hộ nghèo; tổng hợp và báo cáo kết quả điều tra; kinh nghiệm xử lý những vấn đề phát sinh… Nhờ tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, đến nay công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Tổng hợp kết quả điều tra sơ bộ, tổng số hộ nghèo của tỉnh là 22.812 hộ, chiếm 8,01%; tổng số hộ cận nghèo là 18.331 hộ, chiếm 6,44%.
Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều là cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo được thuận lợi trong giai đoạn mới. Đồng thời, là cơ sở xác định mức thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo; căn cứ quan trọng để hoạch định giải pháp, chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Bởi vậy, có thể khẳng định cuộc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo lần này sẽ tạo nên một bước chuyển mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (thực hiện)