Đáp ứng nhu cầu quy hoạch đô thị, từ năm 2005 đến nay diện tích đất nông nghiệp của thành phố đang dần bị thu hẹp, do vậy sản xuất nông nghiệp không chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Thế nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao, trên 1.700 ha đất nông nghiệp, trong đó đất hoa màu chiếm khoảng 295 ha..., người dân vẫn thực hiện gieo trồng hết diện tích, đảm bảo đúng mùa vụ, tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, đảm bảo an ninh lương thực.
Hàng năm, năng suất lúa bình quân đạt 57 tạ/ha/vụ, sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 19 nghìn tấn/năm. Diện tích đất nông nghiệp có hạn, do nỗ lực thâm canh, gối vụ nên hệ số sử dụng đất trên địa bàn không ngừng tăng lên.
Với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, diện tích cây đông của thành phố, nhất là trên đất 2 lúa tăng dần qua các năm. Năm 2006 là 554,8 ha, đến năm 2007 tăng lên 784,2 ha.
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng luôn được chú trọng, đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định và phát triển. Đến thời điểm đầu quý II/2008, toàn thành phố phát triển được 2.500 con trâu, bò; gần 19 nghìn con lợn, 150 nghìn con gia cầm. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được đảm bảo, nhất là với sự hình thành và đi vào hoạt động của Trung tâm giết mổ gia súc tập trung Núi Vàng (xã Ninh Tiến), đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế được dịch bệnh phát sinh đã tạo điều kiện cho việc phát triển chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân.
Thành phố đang triển khai thực hiện đề án sản xuất rau an toàn tại Ninh Sơn, Ninh Phúc với tổng diện tích 6,8 ha; phát triển nghề trồng hoa tại Ninh Phúc..., góp phần nâng cao giá trị canh tác, mức thu nhập cho nhân dân. Hiện nay, giá trị thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp của thành phố đạt 44,4 triệu đồng/năm, tăng 4,4 triệu đồng so với mục tiêu Đại hội đề ra.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - TTCN phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất hàng năm tăng cao, năm 2005 đạt gần 900 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), năm 2007 đạt trên 1.200 tỷ đồng. Riêng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều tăng mạnh về số lượng và đảm bảo chất lượng.
Đến nay đã có 372 doanh nghiệp hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, tăng 125 doanh nghiệp so với năm 2005. Về giá trị sản xuất, năm 2005 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 245 tỷ đồng, đến năm 2007 đạt 502 tỷ đồng. Các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp kinh tế chịu quản lý trực tiếp của thành phố tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị được sắp xếp, đổi mới, tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, cải tiến phương pháp quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị, Công ty cổ phần Xây dựng và khai thác than qua lửa...
Từ năm 2008, thành phố tạo bước đột phá về phát triển tiểu thủ công nghiệp bằng việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành quy định về quản lý, ưu đãi, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Ninh Phong, công nghiệp sạch Phúc Sơn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng không ngừng được mở rộng. Số hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng nhanh hàng năm. Trung tâm thương mại chợ Rồng, chợ Ninh Sơn được cải tạo; chợ Đông Thành, chợ Ninh Khánh được xây mới và một số chợ phường khác được quy hoạch, sắp xếp lại, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Một số cơ sở kinh doanh với chất lượng phục vụ cao theo hình thức siêu thị xuất hiện, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tạo tiền đề để xây dựng ngành thương mại văn minh, hiện đại.
Cùng với những kết quả khả quan trên lĩnh vực sản xuất, hoạt động tài chính, tín dụng trên địa bàn cũng có nhiều tiến bộ, thu ngân sách tăng nhanh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2007 đạt 504 tỷ đồng, tăng 246 tỷ đồng so với năm 2006. Các khoản thu thường xuyên được tập trung chỉ đạo kiên quyết.
Công tác kiểm tra, rà soát đối tượng nộp thuế được tăng cường, các biện pháp xử lý tình trạng dây dưa, nợ đọng thuế được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, với 8 Ngân hàng, 4 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động luôn được cải tiến trên tất cả các mặt, nhất là cơ chế cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn. Năm 2007, doanh số cho vay của các Ngân hàng đã tăng 38,3% so với năm 2006.
Kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, đời sống nhân dân được cải thiện nên tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 4,7%, đến nay giảm còn 1,95%, trong khi mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến 2010 là xuống dưới 4%.
Những kết quả trên mặt trận kinh tế đạt được qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ là cơ sở vững chắc để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Hoàng Tâm