Sáng 30/8, Sở Tư pháp Ninh Bình đã mở hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh. Tham dự có lãnh đạo Sở Tư pháp Ninh Bình, Trường đại học Luật Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và gần 80 doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, Sở Tư Pháp Ninh Bình mở lớp bồi dưỡng này hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật...góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Trên thế giới, thuật ngữ tranh chấp thương mại đã quá quen thuộc. Ở nước ta thuật ngữ này mới được sử dụng trong những năm gần đây, song nhìn chung các quy định trong văn bản pháp luật ở Việt Nam khá nhất quán.
Do vậy có thể hiểu tranh chấp trong kinh doanh là mâu thuẫn (bất đồng, hoặc xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Các tranh chấp kinh doanh phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân (cá nhân, hoặc tổ chức kinh doanh) với nhau; ngoài ra còn có tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau...
Các phương thức giải quyết tranh chấp là: bằng thương lượng, hòa giải; giải quyết tại trọng tài thương mại; giải quyết tại tòa án. Mỗi một phương thức giải quyết có những ưu điểm và nhược điểm; thủ tục, trình tự và điều kiện áp dụng...
Trên cơ sở nắm và hiểu rõ về những vấn đề này mà các thương nhân, các bên tranh chấp, doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết cho phù hợp, có kết quả, hiệu quả.
Đinh Chúc-Phạm Trường