Bao năm nay, cả khu phố Đông Hồ, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình luôn ngưỡng mộ tình cảm mà vợ chồng ông Phạm Văn Sang và bà Vũ Thị Huệ dành cho nhau. Hình ảnh người vợ tần tảo sớm khuya lo lắng cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Ông Sang là thương binh hạng 1/4, năm 1979 chú bị thương ở chiến trường Campuchia. Do vết thương trên đầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới não nên ông bị liệt một nửa người bên trái. Trước khi quyết định gắn bó với nhau, mặc dù biết rõ tình trạng và hoàn cảnh của ông nhưng bà Huệ vẫn tình nguyện ở bên cạnh ông mà không ngần ngại bất cứ điều gì. Thậm chí, khi đang công tác tại UBND huyện Hoa Lư, vì không yên tâm khi chồng ở nhà một mình, bà Huệ đã xin nghỉ việc để toàn tâm, toàn ý chăm lo cho gia đình nhỏ. Từ đó đến nay, gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé. Bằng tình yêu và nghị lực của một người vợ, người mẹ, bà đã vượt lên trên mọi khó khăn để vừa chăm chồng, vừa nuôi nấng hai con học đến đại học.
Gian nan, vất vả là thế, nhưng mỗi khi nhắc đến chồng, ánh mắt bà luôn thật ấm áp: "ở bên chú, cô cảm thấy cuộc sống rất bình yên và thực sự hãnh diện vì có một người chồng dũng cảm tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước". Những khi trái gió trở trời, ông Sang lên cơn đau phải nhập viện, bà luôn ở bên tận tình chăm sóc chu đáo. Thấu hiểu nỗi vất vả của vợ, lúc rảnh rỗi ông thường tự tay làm những việc nhẹ nhàng trong nhà, cố gắng giữ sức khỏe tốt và động viên vợ mỗi ngày. 26 năm đã trôi qua, lúc nào họ cũng gắn bó, yêu thương và che chở cho nhau. Hai người con trai của ông bà nay đã khôn lớn, trưởng thành, một người đang là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Bưu chính Viễn thông và một người đã đi làm sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Rồi đây, mọi khó khăn sóng gió trong cuộc đời họ chắc chắn sẽ qua đi, chỉ còn niềm vui, niềm hạnh phúc ở lại…
Về thăm gia đình thương binh hạng 1/4 Đinh Văn Sung ở thôn Vân Du Thượng, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô vào một buổi chiều nắng nhẹ, chúng tôi có dịp được nghe câu chuyện vô cùng cảm động giữa ông và vợ. Vốn là cô gái xinh đẹp, tài giỏi, bà Lưu Thị Phin thời trẻ được rất nhiều chàng trai ngưỡng mộ, theo đuổi. Thế nhưng trái tim của cô gái mới lớn chỉ rung động trước một người duy nhất. Năm 1960, ông bà chính thức nên duyên chồng vợ. Sau đám cưới 15 ngày, ông Sung tạm biệt vợ để lên đường đi học tại trường sỹ quan pháo binh. Tháng 3/1966, sau khi tốt nghiệp, ông không kịp trở về nhà mà tiếp tục hành quân vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Liên tiếp tham gia những trận đánh lớn nhỏ trên khắp các chiến trường ở chiến khu D, số lần ông Sung bị thương nhiều không kể siết. Năm 1972 là thời điểm ông bị thương nặng nhất, phải tháo khớp gối, chấp nhận cắt bỏ một phần chân bên trái.
Trong khi đó ở nơi quê nhà, bà Phin một mình tần tảo nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng để ông yên tâm công tác. Xa nhà từ năm 1960 đến tận năm 1985 ông mới xuất ngũ trở về quê hương. 25 năm xa cách - đó là cả một hành trình dài, là một phần ba cuộc đời mỗi người. Họ cưới nhau khi còn rất trẻ và gặp lại nhau khi tóc đã điểm màu. Moi thứ có thể thay đổi nhưng tình yêu và niềm tin mà hai người dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như trước.
Trở về với đôi chân không còn lành lặn cùng hàng chục vết sẹo trên cơ thể, bà Phin càng thương và khâm phục chồng hơn bởi ý chí, nghị lực mạnh mẽ của ông khi tham gia kháng chiến. Sau đó, ông bà có thêm bốn người con, cuộc sống gia đình bắt đầu đi vào ổn định. Thế nhưng khoảng thời gian hạnh phúc ấy kéo dài chưa được bao lâu thì ông Sung mắc bệnh. Hành trình đi khắp các bệnh viện chữa bệnh của ông luôn có bà ở bên động viên, chia sẻ. Bà lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, vỗ về an ủi ông khi những cơn đau của bệnh tật kéo đến. Đã ba năm kể từ khi ông đổ bệnh, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy luôn theo sát từng bước chân, từng cơn đau của chồng với sự thấu hiểu, sẻ chia sâu sắc.
Giờ đây, năm người con đều đã khôn lớn, thành đạt và rất có hiếu với cha mẹ nên ước mong lớn nhất của bà lúc này là ông Sung có thể sống khỏe mạnh, vui vầy bên con cháu bởi thời trẻ ông đã quá vất vả rồi…
Bên cạnh những người thương binh luôn có bờ vai của những người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó. Tuy bờ vai ấy mỏng manh nhưng không hề yếu đuối, nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ đến lạ kỳ. Từ trong thời chiến cho tới thời bình, họ luôn là hậu phương vững chắc, là chỗ dựa tinh thần giúp người lính hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Nếu ví mỗi người phụ nữ là một bông hoa thì có lẽ người vợ của những thương binh là loài hoa tỏa hương lâu nhất. Họ xứng đáng được tôn vinh bởi lòng bao dung và sự hy sinh lớn lao, cao cả.
Bài, ảnh: Quang Thọ