Tại hội nghị dự báo viên toàn toàn quốc lần thứ ba, Bộ trưởng Nguyên nói: "Lúc nào tôi cũng canh cánh nỗi lo về ngành dự báo khí tượng thủy văn. Dự báo đúng thiên tai thì có thể phòng chống tốt, bảo vệ thành quả tăng trưởng. Ngược lại chỉ dự báo không đúng thì một cơn bão, hay trận lũ có thể xóa bỏ kết quả của cả 10 năm".
Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu phải mổ xẻ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến nhiều bản tin dự báo thời tiết gần đây không chính xác, gây bức xúc dư luận. "Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cần xem có phải do sự phối hợp giữa đài trung ương với đài địa phương không tốt, do công nghệ lạc hậu, năng lực dự báo viên kém, hay sự biến đổi khí hậu toàn cầu...", ông Nguyên chỉ rõ.
"Ngành khí tượng phải được trang bị công nghệ hiện đại nhất, tốn bao nhiêu tiền cứ báo cáo, miễn là có dự án đầu tư hấp dẫn, hiệu quả. Hiện nay tiền đầu tư tiêu không hết, năm nào cũng trả lại 30-40 tỷ đồng", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nói.
Bộ trưởng thừa nhận lo nhất hiện nay là đội ngũ dự báo viên. "5 năm nữa thì 2/3 cán bộ dự họp (những dự báo viên dày dạn kinh nghiệm) sẽ về hưu. Người trẻ lại không muốn vào ngành. Bộ Giáo dục cho hay dù hạ điểm vẫn không thể chiêu sinh khí tượng", ông nói.
Sự lo lắng của người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường là có cơ sở. Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng thì toàn ngành không có một chuyên gia vi tính đủ trình độ để điều khiển máy tính hiện đại chuyên phân tích các số liệu về khí tượng. "Chế độ lương thấp (trung bình 1,5-2 triệu đồng) không thể thu hút được người giỏi", ông Tăng lý giải.
Trao đổi với báo chí trước đó, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Bùi Văn Đức cũng thừa nhận dù có bỏ tiền mua máy tính hiện đại thì trung tâm cũng chưa thể tiếp nhận. "Lý do thứ nhất là con người chưa sẵn sàng, chưa đủ khả năng để khai thác. Thứ hai là cơ sở hạ tầng hiện nay quá nhỏ, không đủ điều kiện để lắp đặt", ông Đức nói.
Ông Đức khẳng định cái thiếu hụt nhất của ngành là dự báo viên. Hiện nay, nguồn cán bộ được lấy từ Khoa khí tượng thủy văn và hải dương (ĐH Khoa học Tự nhiên), Khoa thủy văn môi trường (ĐH Thủy lợi) và Cao đẳng Tài nguyên Môi trường. Chất lượng đầu vào thấp nên trung tâm rất khó tuyển người. Trung bình một sinh viên ra trường mất ít nhất 2 năm mới có thể dự báo thủy văn và mất ít nhất 5 năm mới có thể dự báo khí tượng.
Sau phát biểu sáng nay tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên sẽ có buổi làm việc riêng với lãnh đạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương để rút kinh nghiệm sau những lần dự báo sai trong một tháng rưỡi vừa qua. |
Theo VnExpress