Đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Cục thuế tỉnh; Cục Hải quan Hà Nam Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 được triển khai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia; làm gián đoạn dòng luân chuyển thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế; lao động mất việc làm tăng cao...
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển đất nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, góp phần tích cực thực hiện "nhiệm vụ kép" - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Theo đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.
Đối với nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan khẩn trương triển khai các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Qua đó, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10, 11-2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Trong công tác điều hành chi NSNN, nhờ chủ động trong điều hành, chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao; hoàn thành 180/180 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch (100%); Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, giúp người dân và doanh nghiệp, tổ chức thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Sau khi nghe các Bộ, ngành địa phương tham luận về công tác tài chính ngân sách năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của ngành Tài chính để đạt kết quả đạt trong năm 2020 giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương điều hành tốt việc phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh.
Bước sang năm 2021, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không thuận lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngành Tài chính cần phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.
Trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật;
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn