Đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Về phía Bộ NN &PTNT có đồng chí Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, cố vấn BCĐ XDNTM Trung ương; đại diện một số cục, vụ, viện, trung tâm thuộc Bộ.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả tại Ninh Bình trong thời gian qua.
Cụ thể: tổng diện tích gieo trồng hàng năm của Ninh Bình vào khoảng 110,6 nghìn ha trong đó diện tích cây rau đậu đạt trên 9,9 nghìn ha, sản lượng hàng năm trên 141 nghìn tấn; diện tích lán trại trồng nấm khoảng 130.000 m2, sản lượng 4.500 tấn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng gieo trồng rau tập trung, đi kèm với đó là sự phát triển của các cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả như: Công ty CPTPXK Đồng Giao, DNTN Hương Nam, Công ty TNHH Hoàng Lê...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả và các loại nông sản hiện nay trên địa bàn vẫn còn tồn tại 1 số hạn chế như: sản xuất rau chủ yếu vẫn tập trung ở vụ đông xuân, rau vụ hè còn ít, chưa có nhiều loại rau đặc sản mang thương hiệu địa phương.
Diện tích đất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn của tỉnh mới đạt 19,2 ha (chưa đầy 0,2% tổng diện tích trồng rau).
Hệ thống tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh mới dừng lại ở mức thí điểm, rau an toàn được sản xuất ở các mô hình đều gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Tại hội nghị, đại diện 1 số công ty sản xuất, chế biến rau, quả trên địa bàn tỉnh đã báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của đơn vị mình đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong liên kết sản xuất với nông dân.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT thời gian tới cần có thêm các hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật cũng như trang thiết bị sản xuất.
Lãnh đạo một cục, vụ, viện, trung tâm thuộc Bộ đã đóng góp ý kiến, chỉ ra một số hướng phát triển cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ rau quả nông sản của Ninh Bình như: tập trung mở rộng diện tích rau an toàn, rau hữu cơ, phát triển rau dược liệu, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cảm ơn các đại biểu đã cho ý kiến, hướng gợi mở rất hay cho hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả của Ninh Bình.
Tiếp thu những ý kiến của Bộ NN&PTNT, tỉnh sẽ có tổng kết đánh giá lại hiệu quả, năng lực sản xuất của các công ty, doanh nghiệp này từ đó có định hướng phát triển cụ thể gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về cơ chế chính sách, thời gian qua Ninh Bình cũng đã có một số chính sách hỗ trợ về cây vụ đông, giống...tới đây tỉnh sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến... gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên cũng cần có những hướng dẫn, chính sách cụ thể từ Trung ương để tỉnh có cơ sở hỗ trợ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để xây dựng thành công mô hình sản xuất chế biến rau quả an toàn tại Ninh Bình, đưa mô hình này trở thành mô hình điểm nhân rộng trong cả nước.
Đồng chí cũng lưu ý Ninh Bình nên xây dựng một bộ chính sách rõ ràng của địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp chế biến cần có sự liên kết chặt chẽ nhằm đa dạng hóa sản phẩm đồng thời kéo dài chuỗi giá trị; nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ của nhà nước để có nguồn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đi vào chế biến sâu.
Nguyễn Lựu