Sắt son mối tình quân-dân
Trung úy Nguyễn Văn Thuyết, sinh năm 1985, quê ở xã Xích Thổ, công tác tại Đồn Biên phòng Kim Sơn được hơn 6 năm. Quãng thời gian ấy, đủ để anh nảy nở tình yêu, gắn bó với mảnh đất mặn mòi, nhiều gian khó này.
Nhắc đến Trung úy Thuyết là nhắc đến một câu chuyện xúc động về tình nghĩa quân - dân. Cưới nhau được 7 năm, hai vợ chồng anh Thuyết mới sinh được một cậu con trai. Nhưng: "Con tôi bị câm, điếc bẩm sinh. Ngoài ra cháu còn bị bệnh tim, thể lực yếu ớt. Vì bệnh nặng nên dù đã 7 tuổi cháu vẫn chưa một lần được tới trường. Hàng tháng, vợ chồng tôi đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương khám bệnh, lấy thuốc. Hành trình chữa bệnh của con còn gian nan lắm" - anh Thuyết nói.
Hơn 8 triệu đồng là mức lương Trung úy Nguyễn Văn Thuyết nhận được mỗi tháng. Khá eo hẹp để duy trì cho một gia đình, chứ chưa nói tới chi tiêu cho gia đình có người ốm. Thế nên, tháng nào khi lĩnh lương, Trung úy Thuyết cũng phân chia chi tiết: Phần này chăm lo cho gia đình, phần này để đưa con đi viện tái khám, lấy thuốc.
Nhưng tháng nào cũng thế, anh Thuyết luôn để ra một phần nho nhỏ để đóng góp, chung tay cùng đồng đội thực hiện những việc làm thiện nguyện vì cộng đồng: chăm sóc những đứa con nuôi, hỗ trợ trẻ em nghèo được đến trường, hỗ trợ hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Anh Thuyết nói rằng, những hoàn cảnh khó khăn còn nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, sẽ có nhiều trẻ em phải nghỉ học sớm, nhiều gia đình khó vượt qua khó khăn trước mắt… Khoản tiền đóng góp của anh và các đồng đội tuy không nhiều, song sẽ tạo nên nhiều điều có ích trong cuộc sống.
Với tinh thần ấy, Trung úy Thuyết cùng đồng đội tìm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất ở các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông và thị trấn Bình Minh để giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực, hoặc đơn giản hơn là để được sẻ chia, khích lệ bằng tình cảm chân thành như những người ruột thịt.
Đồng thời, với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Kim Sơn thường xuyên cùng nhau vào thăm các gia đình ngư dân, tiếp xúc với bà con để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của họ, hướng dẫn người dân cách phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo vệ biển. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng hiểu và chung sức với biên phòng cùng nhau vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Cứ như thế, mối tình quân - dân ngày càng thêm sắt son, bền chặt.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Vĩnh Thăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Để đồng hành với những khó khăn của nhân dân ở khu vực biên giới biển, những năm qua bộ đội biên phòng tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, các đối tượng chính sách và nhân dân trên địa bàn nhân dịp các ngày lễ, tết bằng nhiều hình thức ủng hộ vật chất, tinh thần, nhận đỡ đầu, kết nghĩa với các đơn vị biên phòng và địa phương, các đoàn thể.
Xây dựng được nhiều mô hình tự quản và đã đi vào hoạt động có nền nếp; xây dựng nhiều tiêu chí gắn với phát triển kinh tế biển, môi trường biển, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực biên giới gắn với cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong bộ đội biên phòng tỉnh. Tích cực tham gia các chương trình và có các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện phong trào "Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới".
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, mô hình thiết thực, hiệu quả như: "Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển", "Tổ tự quản về an ninh trật tự vùng bãi", "Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn", "Xóm tự quản về an ninh trật tự"... Những chương trình, phong trào, mô hình trên đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở các xã, thị trấn khu vực biên giới biển...
Cánh tay nối dài của biên phòng
Để hiểu rõ hơn công việc của những người lính biên phòng nơi biên giới biển, chúng tôi theo chân Đại úy Đinh Văn Phương, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đáy đến gặp gỡ "Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn", vừa nhìn thấy nhau họ đã hồ hởi "tay bắt, mặt mừng" thân thiết như một gia đình. Họ kể cho nhau nghe về chuyến đi biển vừa rồi, rồi háo hức khoe thành quả là những mẻ tôm, cá đầy khoang.
Qua lời anh Vũ Văn Tự, ngư dân ở xã Kim Đông, chúng tôi được biết: Trước đây, nhân dân các xã bãi ngang rất nghèo. Họ bám vào hơn 17 km đường biển mà kiếm sống nhờ khai thác thủy sản. Họ sẵn sàng sử dụng xung kích điện để đánh bắt, ảnh hưởng lớn đến môi trường biển. Chưa kể, vì lợi ích cá nhân, nên tranh chấp, thậm chí xuất hiện cả tình trạng gây rối, trộm cắp tài sản giữa các ngư dân… Mỗi lần đi mặc dù cũng tập hợp 3-5 tàu đi cùng để hỗ trợ nhau nhưng giữa mênh mông biển cả điều gì cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc kết nối trước đây chỉ mang tính tự phát. Năm 2018, được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, ngư dân Kim Sơn đã thành lập được 2 tổ "tàu thuyền đoàn kết, an toàn" với 30 thành viên. Giờ đây những ngư dân như anh Vũ Văn Tự đã không còn cảm giác đơn độc lẫn lo lắng, phấp phỏng trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển.
Anh Tự tâm sự "Từ khi tổ được thành lập, anh em ngư dân thường nhắc nhở nhau thực hiện đúng các quy định pháp luật khi đánh bắt trên biển. Đặc biệt, giờ đây việc vươn khơi bám biển của chúng tôi không chỉ vì mưu sinh để nuôi sống gia đình mà còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo quê hương".
Không chỉ khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, ngư dân Kim Sơn chính là "cánh tay" nối dài của bộ đội biên phòng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên biển. Bên cạnh việc giúp đỡ, chia sẻ khó khăn trong quá trình đánh bắt cá trên biển, từ khi các tổ tàu thuyền an toàn trên biển được thành lập, họ còn có trách nhiệm phát hiện, thông báo cho lực lượng biên phòng những nguồn tin quan trọng để kịp thời đấu tranh với tàu chở hàng lậu qua đường biển, tranh chấp ngư trường; tình trạng lợi dụng tôn giáo để gây rối an ninh trật tự… đảm bảo sự bình yên cho quê hương.
Ngoài ra, các tổ tàu thuyền này còn sẵn sàng tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng trong triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra.
Qua những công việc cụ thể bộ đội giúp dân, dân báo tin cho bộ đội mà hình thành nên thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Cũng nhờ có niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân mà bộ đội biên phòng mới có thể như những cánh hải âu vượt trùng khơi để báo hiệu sự bình yên trên biển.
Phúc Nguyên - Đào Hằng
KỲ 1: CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐỨA CON NUÔI ĐỒN BIÊN PHÒNG
KỲ 3: CÙNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN ƯỚC MƠ LẤN BIỂN