Sáng chủ nhật, bé Lê Nguyễn Công Huy ở khối 6, thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn) vui hơn những ngày thường. Bởi chỉ lát nữa thôi, cháu sẽ được đón những người cha nuôi ở Đồn Biên phòng Kim Sơn đến thăm và hướng dẫn cháu học. "Cháu đã học thuộc được bảng cửu chương và hoàn thành những bài tập mà bố Long giao cho. Cháu học hành chăm chỉ, tiến bộ thì sẽ được các bố thưởng cho một ngày ra thăm Đồn Biên phòng"- bé Huy bẽn lẽn.
Đúng giờ hẹn, Trung tá Đinh Quốc Long, người được giao phụ trách, giúp đỡ cháu Huy cùng các chiến sỹ của Đồn Biên phòng Kim Sơn đến thăm và mang theo những bộ quần áo, những cuốn sách giáo khoa, những tập vở viết… chuẩn bị cho Huy bước vào năm học mới. Nhìn đứa cháu nội xúng xính trong bộ quần áo mới, háo hức lật dở rồi hít hà những trang sách còn mới tinh, bà Vũ Thị Chinh không giấu nổi xúc động. Bà không thể tin được có ngày đứa cháu nội côi cút vốn nhút nhát, rụt rè, nay đã vui vẻ, hoạt bát và háo hức đến trường nhường ấy.
Huy năm nay 8 tuổi, cha Huy mất khi cháu vừa 3 tuổi. 3 năm sau, Huy mất nốt mẹ. Huy như con chim non, ngỡ ngàng, lạ lẫm khi bước vào lớp 1. Bà Chinh xót xa kể: "Ngày đầu tiên Huy vào lớp 1, tôi dẫn cháu đi khai giảng. Bao bỡ ngỡ của buổi đầu đến trường, bao nỗi thèm khát một lời khích lệ âu yếm của mẹ cha… cháu chỉ biết thể hiện ở đôi mắt trong veo. Tối hôm đó, Huy bảo tôi rằng cháu muốn được bố mẹ đưa đến trường như các bạn cùng lớp. Tôi chỉ biết lặng người".
Nhưng giờ thì Huy có nhiều cha lắm. Tất cả các chiến sỹ của Đồn Biên phòng Kim Sơn đều là cha của Huy. "Hàng tháng, cháu được nhận 1 triệu đồng từ những người cha nuôi ở Đồn Biên phòng. Ngoài ra, các chú còn tặng quần áo, sách vở, kèm cặp cháu học hành, uốn nắn, dạy dỗ cho cháu từng lời ăn, tiếng nói… Hỗ trợ kịp thời, thiết thực và ý nghĩa từ những người chiến sỹ đã giúp cuộc sống của cháu tôi tốt hơn rất nhiều" - bà Chinh xúc động.
Nhưng hơn cả, nghĩa cử của những chiến sỹ biên phòng đã khỏa lấp được sự trống trải trong tâm hồn đứa trẻ. Cháu đã có một hình bóng người cha mạnh mẽ ở trong tim. Các chú vẫn thường đưa cháu đi chơi, đi tập xe, thả diều vào những buổi chiều hè. Những cánh diều no gió ấy gói cả ước mơ của một đứa trẻ mồ côi bay cao…
Tạm biệt bé Huy, chúng tôi tìm về xóm 2, xã Kim Hải để gặp gỡ cháu Đậu Hồng Phong - một trong những học sinh được Đồn Biên phòng Kim Sơn giúp đỡ theo Chương trình "nâng bước em đến trường" từ nhiều năm nay.
Tháng 8, Kim Sơn đón nhiều trận mưa rào. Chị Mai Thị Nụ, mẹ cháu Phong tạm dừng việc thu mua đồng nát, tranh thủ trời mưa để chăm sóc ruộng lúa mới cấy. ở nhà, hai anh em Đậu Hồng Phong thay mẹ phân loại đống phế liệu chất cao lên đến quá đầu. Phong cười hiền lành: Nếu các chú bộ đội Đồn Biên phòng Kim Sơn không hỗ trợ, chắc giờ này cháu đã phải nghỉ học. Nghề buôn đồng nát này đã trở thành nghề chính của cháu rồi.
Dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ mới được xây dựng từ sự chung tay của cộng đồng. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình, thứ đáng giá nhất đó là những chiếc giấy khen dán trên tường của anh em Phong. Nhà Phong nghèo lắm, bố Phong ốm quanh năm, mọi gánh nặng mưu sinh đặt lên vai gầy của mẹ. Với thu nhập chưa tròn 100 nghìn đồng/ngày từ công việc buôn bán đồng nát, mẹ Phong phải chia nhỏ ra thành các khoản để vừa duy trì sinh hoạt của cả gia đình, vừa tiền học của hai đứa con và tiền mua thuốc cho bố. Khó khăn là vậy, nhưng gia đình nhỏ của Phong vẫn ngập tràn hạnh phúc. Hai anh em Phong luôn tự giác học hành, bởi bố mẹ cháu bảo rằng chỉ có học mới có thể tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng rồi một biến cố lớn đã xảy ra với gia đình nhỏ của cháu. Năm Phong học lớp 6, bệnh của bố trở nặng, bố cháu đã không qua khỏi. Bố mất rồi, cả ba mẹ con đều thấy chông chênh.
Từ đó, con đường đến trường của hai anh em Đậu Hồng Phong khó khăn hơn. Có những lúc, Phong tưởng đã phải bỏ học để ở nhà phụ giúp mẹ. Nhưng nhờ sự "tiếp sức" của các chú bộ đội biên phòng, đến nay Phong đã là cậu học sinh lớp 12 với thành tích học tập rất đáng khen. "Năm lớp 11 vừa qua, cháu đã gần đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Một chút thiếu sót đó sẽ là động lực để cháu phấn đấu trong năm học này. Cháu sẽ nỗ lực để thực hiện bằng được giấc mơ của mình, đó là trở thành một chiến sỹ biên phòng sau khi tốt nghiệp THPT. Cháu ước được khoác lên mình bộ quân phục xanh, được chắc tay súng bảo vệ biển trời quê hương và sẽ lại có cơ hội được giúp đỡ những học sinh nghèo, được gieo những mầm thiện… như các chú đã làm với cháu và nhiều bạn nhỏ khó khăn khác" - Phong rắn rỏi nói.
Để duy trì mô hình "con nuôi đồn biên phòng" và "nâng bước em đến trường" mỗi tháng, các chiến sỹ của Đồn Biên phòng Kim Sơn trích từ đồng lương ít ỏi để chăm lo cho những đứa con nuôi và "tiếp sức" cho những học sinh nghèo có nguy cơ phải bỏ học được tiếp tục đến trường. Những việc làm lặng thầm của những người lính mang quân hàm xanh đã sưởi ấm trái tim, thổi bùng lên khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nhiều đứa trẻ thiếu may mắn.
Thượng tá Đỗ Văn Thăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Việc triển khai thực hiện mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp đỡ các em học sinh mồ côi không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới biển có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, phấn đấu là con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện đang nhận đỡ đầu 7 học sinh nghèo, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng/người/tháng, đến khi các cháu học hết cấp Trung học phổ thông. Bên cạnh đó, thông qua kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trao tặng các phần quà ý nghĩa cho học sinh nghèo. Nhờ đó, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không những được tiếp tục tới trường, mà còn đạt thành tích cao trong học tập. Trong năm học 2018 - 2019, đã có 3 em trong Chương trình "Nâng bước em tới trường" đạt danh hiệu học sinh giỏi và 4 em đạt danh hiệu học sinh khá.
Những hoạt động thiết thực của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng không chỉ "nâng bước" cho các cháu được đến trường, mà hơn cả còn nhen nhóm tình yêu biên giới, tình yêu quê hương, đất nước trong những tâm hồn con trẻ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ đặc biệt này đều có niềm tin sâu sắc rằng, việc nhận các cháu làm con nuôi đồn biên phòng cũng chính là việc chăm lo, đào tạo thế hệ tiếp bước cha anh trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới biển, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Phúc Nguyên - Đào Hằng
KỲ 2: NHỮNG DẤU CHÂN KHÔNG MỎI
KỲ 3: CÙNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN ƯỚC MƠ LẤN BIỂN