Tốc độ lây lan chóng mặt Vụ mùa 2017, toàn tỉnh gieo cấy trên 37 nghìn ha lúa, trong đó trà mùa sớm chiếm khoảng 30,4%, trà mùa trung 64,6%, còn lại là trà mùa muộn. Đến nay, đã có khoảng 5.200 ha lúa đã trỗ, tập trung ở Nho Quan và Gia Viễn, riêng trà mùa trung và mùa muộn đang ở giai đoạn làm đòng.
Nhìn chung, trên phạm vi toàn tỉnh, lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thời tiết vụ mùa năm nay có nhiều diễn biến bất thường so với mọi năm, nắng mưa xen kẽ liên tục, đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại rộng, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Khiển, Giám đốc HTX Bắc Thành, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn cho biết, ngay khi lúa bước vào thời kỳ con gái, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và lan rộng. Đến nay, trong tổng số 274 ha lúa mùa của HTX thì có tới 105 ha bị nhiễm lùn sọc đen, tập trung chủ yếu trên những diện tích cấy giống Bắc thơm (tỷ lệ hại từ 2,5-5% là khoảng 60 ha; 6-10% là 30 ha và trên 10% là 15 ha).
Do bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên chúng tôi chỉ biết động viên nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện những cây có biểu hiện của bệnh như lùn hơn những cây còn lại, thân cứng, rễ đen, xuất hiện nốt sần, lá xoắn thì tiến hành nhổ vùi. Ngoài ra, ở những diện tích phát hiện mật độ rầy cao thì khuyến cáo bà con phun trừ để tránh hiện tượng rầy trích hút làm lây lan dịch bệnh.
Thời gian tới, HTX tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh để có phương án xử lý kịp thời. Những vụ sau, chúng tôi sẽ phải lên kế hoạch để thay đổi cơ cấu giống lúa, giảm diện tích cấy giống Bắc thơm, cũng như phòng trừ bệnh ngay từ giai đoạn mạ.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Tại tỉnh ta, bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá bắt đầu xuất hiện gây hại trên lúa ở vụ mùa và trên ngô của vụ đông năm 2009. Năm 2010, bệnh gây hại nặng trên lúa đông xuân với tổng diện tích nhiễm lên tới hàng nghìn ha nhưng những năm sau đó, bệnh có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, vụ mùa 2017 này, lùn sọc đen lại bùng phát trở lại. Đầu tiên, bệnh chỉ xuất hiện rải rác trên các trà lúa mùa sớm ở một số xã như Lạc Vân, Văn Phong, Văn Phú của huyện Nho Quan vào cuối tháng 6. Sau đó, bệnh tiếp tục được phát hiện trên lúa cấy ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh.
Đến ngày 1/8, diện tích bị nhiễm bệnh là 3 ha. Một tuần sau, diện tích nhiễm bệnh tăng lên 27 ha, tỷ lệ bệnh nơi cao là 5-7%, cá biệt có nơi lên đến 15-20% (cụ thể như ở các xã Cồn Thoi, Kim Tân của huyện Kim Sơn). Đến nay, bệnh tiếp tục hại tăng trên các trà lúa ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, tỷ lệ bệnh nơi cao là 10-15%; cá biệt có ruộng 30-50% số cây. Tổng diện tích nhiễm bệnh trên toàn tỉnh đến ngày 30/8 là 522,7 ha, trong đó nhiễm nặng là 82,5 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Kim Sơn (chiếm 95% diện tích toàn tỉnh).
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Bà Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Đầu vụ, qua theo dõi, bám sát đồng ruộng, chúng tôi nhận thấy đối tượng rầy lưng trắng xuất hiện sớm với mật độ rất cao nên Chi cục đã sớm nhận định bệnh lùn sọc đen rất có thể sẽ bùng phát trở lại vì rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen.
Do vậy, chúng tôi đã triển khai 36 lớp tập huấn về phòng trừ dịch hại và bệnh lùn sọc đen hại lúa với hàng nghìn lượt người tham dự. Đồng thời, triển khai 2 mô hình về quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa tại huyện Kim Sơn và Nho Quan. Khi phát hiện ra bệnh tại một số địa phương, Chi cục đã nhanh chóng hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp nhổ vùi cây bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe và phun trừ rầy môi giới trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh.
Bên cạnh đó, thường xuyên duy trì hoạt động của 8 bẫy đèn ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức thuận lợi cho rầy phát sinh với mật độ cao và cho vi rút nhân lên trong cơ thể côn trùng và trong cây lúa để gây hại. Song song với đó, bệnh lại xuất hiện sớm ngay ở giai đoạn lúa đẻ nhánh là giai đoạn lúa mẫn cảm nên bệnh lùn sọc đen vẫn gây hại tăng trên tất cả các trà lúa.
Dự báo, thời gian tới, diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt trên vùng lúa gieo sạ và trên trà lúa mùa trung ở giai đoạn đòng già trỗ bông, nhất là ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh.
Trong đó, huyện Kim Sơn có nguy cơ bệnh lùn sọc đen sẽ phát sinh thành dịch, khả năng có nhiều diện tích bị hại nặng, lúa không trỗ bông, hoặc trỗ bông không thoát, nếu trỗ thoát sẽ có nhiều hạt đen, lép, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Những ruộng bị hại nặng khả năng sẽ mất mùa riêng.
Được biết, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng và tổ chức đôn đốc, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra đồng ruộng. Đối với những diện tích bị nhiễm nặng hướng dẫn nông dân cắt, đốt, xử lý ngay, với diện tích bị nhiễm nhẹ chờ khi thu hoạch xong thì đốt rạ, rải vôi, cầy lật úp.
Tuy nhiên, với những diễn biến đặc biệt phức tạp của bệnh lùn sọc đen như hiện nay, thiết nghĩ ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại mỗi địa phương nếu không nguy hại của bệnh lùn sọc đen cho các vụ sau là không thể lường hết được.
Hà Phương
Đặc điểm chính về bệnh lùn sọc đen hại lúa 1. Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút này. 2. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. 3. Cơ chế lan truyền của bệnh: Vi rút không truyền qua trứng rầy. Bệnh không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe. 4. Tồn tại của bệnh trên đồng ruộng: Ngoài cây lúa, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng, vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa vi rút để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó. Vi rút gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo. |