Đợi cả giờ để rút tiền
Thanh toán qua thẻ ATM là một hình thức giao dịch hiện đại giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong việc quản lý ngân quỹ và chi trả lương hàng tháng. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ta còn hạn chế thì đối với người lao động khi nhận lương qua thẻ ATM vẫn còn nhiều bất cập. Đến các điểm đặt máy rút tiền tự động mới thật sự thấy hết những sự bất tiện mà khách hàng gặp phải trong giai đoạn đầu của hoạt động này ở Ninh Bình. Đầu tiên là hiện tượng máy báo lỗi, hết tiền, khách hàng phải chạy dài hết phố này qua phố khác để tìm điểm đặt máy.
Chị Đồng Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thẳng thắn nói không thích hình thức trả - nhận lương qua tài khoản vì nhiều rắc rối so với cách làm truyền thống. Chị Huệ cho biết: Lương tháng của chị và các thầy, cô giáo trong trường không cao. Đối với các thầy cô trẻ, lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì chi tiêu cho cuộc sống còn chưa đủ lấy đâu mà tiết kiệm, vì vậy ngay khi báo có lương là họ đi rút ngay nhằm trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bản thân chị Huệ khi đi rút tiền lương tháng 3/2008 từ máy ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng mất đến hơn 1 tiếng đồng hồ vì phải chờ đợi.
Cũng giống như chị Huệ, qua tiếp xúc với nhiều khách hàng sử dụng thẻ ATM, chúng tôi được biết khá nhiều người không chỉ lần đầu mà cả những lần tiếp theo cũng phải loay hoay đến 30 phút mà vẫn không thực hiện được thao tác rút được tiền, có người bị nuốt thẻ. Mặt khác, số lượng máy rút tiền tự động ATM còn rất ít, lại ở xa nên thay vì tiết kiệm thời gian thì lại mất khá nhiều thời gian cho chờ đợi. Tại điểm rút tiền tự động của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển trên địa bàn phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình), chị Đinh Thị Hồng Loan ở Trường Đại học Hoa Lư cho biết: "Việc trả lương qua tài khoản là hình thức thanh toán hiện đại, có nhiều cái tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc trả lương qua tài khoản đối với CBCNV trường tôi vẫn còn nhiều bất tiện vì phải đi xa mất thời gian, nhiều khi máy có sự cố, địa điểm ít, mỗi kỳ lương đi rút tiền gặp lúc đông người nên phải chờ đợi khá lâu".
Bất tiện do đâu?
Do việc triển khai trả lương qua tài khoản chưa thực sự đồng bộ với cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ của ngân hàng trên địa bàn nên thời gian đầu đã có nhiều trục trặc, phiền toái xảy ra khi rút tiền qua máy ATM. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vào dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tý, nhiều máy ATM trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã quá tải, có nơi "các thượng đế" phải xếp hàng đợi cả buổi để rút tiền. Có trường hợp máy bị tê liệt, không rút được tiền; có trường hợp bị nuốt thẻ...
Các ngân hàng nhận không ít lời phàn nàn từ khách hàng và do hệ thống công nghệ, do chưa đủ người để thực hiện một khối lượng công việc quá lớn, nên cũng không thể giải quyết ngay được những vướng mắc của khách hàng. Nhiều người chưa sử dụng thành thạo các thao tác rút tiền nên bị kẹt hoặc không rút được tiền, phải đi lại nhiều lần. Chuyện một khách hàng ở thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thẻ Eximbank đã hết tiền trong tài khoản để rút được tới 2,6 tỷ đồng khiến nỗi lo mất tiền trong tài khoản cũng như an ninh mạng ngày càng tăng lên...
Tại hội nghị đánh giá về tình hình trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng từ ngân sách Nhà nước vừa qua, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập đối với dịch vụ thẻ ATM tại Ninh Bình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 20 nghìn khách hàng sử dụng thẻ ATM, trong khi đó mới chỉ có 9 máy ATM đang hoạt động, như vậy mật độ trung bình là trên 2 nghìn khách hàng/máy. Tỷ lệ này là quá lớn, nhất là những khi đến kỳ trả lương tất cả mọi người đổ xô đi rút tiền. Mặt khác, các dịch vụ kèm theo thẻ ATM như: trả tiền điện thoại, thanh toán tiền điện, tiền nước… còn quá ít nên việc sử dụng thẻ ATM mới chỉ đơn thuần là dùng để rút tiền mặt. Do lương của công chức phổ biến từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng nên hầu hết CBCNV ngay sau khi tiền về tài khoản là phải rút hết ra chi tiêu. Đây là một sự lãng phí lớn bởi các ngân hàng đầu tư khá lớn (khoảng 1 tỷ đồng 1 máy ATM) và chi phí không nhỏ trong khi để khuyến khích người dân sử dụng, các ngân hàng hầu hết không thu phí. Chính vì vậy, các ngân hàng cũng không mặn mà với việc đầu tư mở rộng mạng lưới máy rút tiền tự động. Nếu cứ để kéo dài như vậy, mục tiêu trả lương qua tài khoản nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt khó thực hiện được, điều này còn do mạng lưới phân phối hàng hóa, các cửa hàng, cửa hiệu có máy chấp nhận thanh toán thẻ còn ít, thói quen tiêu dùng tiền mặt trong nhân dân còn nhiều... Tất cả những vấn đề này đều cần có thời gian và giải quyết từng bước. Mặc dù vậy, có một số vấn đề các ngân hàng cần lưu tâm giải quyết ngay để bảo đảm quyền lợi và tạo thuận tiện cho khách hàng. Khi đã thực hiện dịch vụ trả lương thì phải đảm bảo đủ khả năng phục vụ, nếu không đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì không nên mở rộng việc sử dụng thẻ ATM. Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã kết nối hệ thống Banknet nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng, tình trạng phổ biến vẫn là thẻ của ngân hàng nào rút tiền từ máy ATM của ngân hàng đó.
Có thể nói, việc thực hiện trả lương qua tài khoản ở Ninh Bình hiện nay mới là giai đoạn bắt đầu để tập cho người dân thói quen sử dụng tiền qua tài khoản. Tuy nhiên, những bất tiện mà khách hàng đang phải gánh chịu cần được các cơ quan quản lý, các ngân hàng nhanh chóng khắc phục để tạo sự thuận tiện cho người dân khi sử dụng dịch vụ hiện đại này.
Ngọc Tân - Mạnh Dũng