Không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ từ bậc học mầm non đến THCS, THPT cắm cúi sử dụng điện thoại mà không quan tâm đến mọi sự diễn biến xung quanh mình. Những chiếc điện thoại thông minh được tích hợp nhiều tính năng, ứng dụng hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát các trang mạng ở nước ta còn lỏng lẻo, trong khi đó các bậc phụ huynh vì bận rộn với công việc mà lơ là, thiếu kỹ năng quản lý con cái, đã để trẻ tiếp cận sớm với Internet. Thậm chí, khi không có người quản lý, trông nom hoặc mỗi khi bố mẹ có việc bận, thậm chí khi ăn nhậu với bạn bè… mà không muốn bị trẻ quấy rầy các ông bố, bà mẹ cũng sẵn sàng mang điện thoại ra cho con chơi để… giữ trật tự. Đối với trẻ lớn hơn, việc khai thác các trang mạng xã hội mà phụ huynh không kiểm soát được, các em dễ bị thu hút vào những trang mạng không lành mạnh hoặc chơi những trò chơi nguy hiểm, bạo lực. Những hấp dẫn ấy từ các thiết bị điện tử đã khiến nhiều trẻ nghiện máy tính, bỏ bê học tập, trẻ sống ảo, vô cảm với cuộc sống thực tế hiện tại, thậm chí phải đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, việc "nghiện" sử dụng mạng xã hội facebook của các bậc phụ huynh cũng là một vấn đề cần bàn tới. Nhiều người coi việc cập nhật mọi thông tin, hoạt động, hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội là một việc làm thường xuyên diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm học, nhiều gia đình khoe hình ảnh, thành tích học tập của con một cách chi tiết lên mạng xã hội. ở một câu chuyện khác, cứ vào dịp cuối năm học là các trường mầm non, tiểu học lại rộ lên phong trào kết hợp với các studio chụp ảnh chân dung cho các con xúng xính trong bộ quần áo tú tài, cử nhân tí hon… mà hầu như không trường nào hỏi ý kiến phụ huynh xem có đồng ý không. Nhiều phụ huynh cũng lo lắng bởi hình ảnh con em mình có thể bị sử dụng vào mục đích khác…
Tất cả những việc làm của người lớn, vô tình tổn hại đến sự an toàn của trẻ như những trường hợp kể trên sẽ bị coi là vi phạm pháp luật bởi theo Luật Trẻ em năm 2016, từ ngày 1/6/2017, những hành vi như: tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của trẻ em nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; đăng tải hình ảnh cá nhân, đặc điểm nhận dạng cá nhân; kết quả học tập… của trẻ trên các trang mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em thì đó là những hành vi vi phạm; không cung cấp hoặc che dấu thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực… Và kể từ ngày 1/7/2017, Nghị định 26/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em cũng sẽ có hiệu lực.
Trước những quy định này, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá bất ngờ bởi với họ việc chia sẻ hình ảnh của con mình với những thành tích học tập rất đáng khen của con chỉ đơn thuần là để chia vui, là "khoe" niềm tự hào ấy với bạn bè. Chính vì tư tưởng đó nên mặc dù luật đã có hiệu lực thi hành, nhưng khi vào các trang mạng xã hội như facebook nơi có lượng người truy cập lớn nhất thì các hình ảnh khoe con, thành tích học tập vẫn tràn lan. Những thông tin quá chi tiết của trẻ, rất có thể vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để Luật Trẻ em sớm đi vào cuộc sống, thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền dưới mọi hình thức, trong đó đặc biệt quan tâm và nâng cao hiệu quả các lớp tập huấn, tư vấn tại cộng đồng. Đối tượng hướng tới của các lớp tập huấn, tư vấn này là những người đứng đầu các địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xã hội và chính các bậc phụ huynh.
Đồng thời, phối hợp với các nhà trường tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em, trong đó việc đưa các nội dung Luật Trẻ em đến với các "chủ thể" sẽ được mềm hóa để các em tiếp nhận một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, chúng tôi cũng xây dựng các chủ đề có ý nghĩa thiết thực với trẻ như: Những hệ lụy của việc sử dụng mạng Internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên Internet một cách hiệu quả; những cách nhận biết các đối tượng xâm hại… để các em tự trao đổi, tư duy và đưa ra các ý kiến của riêng mình.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, các bậc cha mẹ cần quản lý chặt chẽ, khoa học đối với con cái, trong đó có việc sử dụng điện thoại, máy tính kết nối Internet, nhất là vào dịp nghỉ hè, tránh cho trẻ tiếp xúc với những trang mạng thiếu lành mạnh. Khuyến khích cho con đăng ký tham gia các lớp kỹ năng sống, năng khiếu theo sở thích của trẻ hay hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương.
Ngành Giáo dục cần chú trọng đến hoạt động tuyên truyền cho học sinh từ cấp tiểu học về giáo dục giới tính và sử dụng mạng Internet an toàn trong học đường với những hình thức đa dạng như: ngoại khóa, lồng ghép trong giờ chào cờ đầu tuần hay vào các nội dung môn học như giáo dục công dân, tin học để giúp học sinh dễ hiểu và áp dụng…
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ. Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại trên môi trường mạng đang trở nên cấp thiết không chỉ thể hiện ở nội dung Luật, Nghị định mà trên thực tế cần sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng.
Đào Hằng