Hiện nay, mạng xã hội phát triển nhiều trang cá nhân của các hãng như Facebook, YouTube, WhatsApp, Facebook Messenger, WeChat, Instagram... Tuy nhiên, trang Facebook được đánh giá là trang dẫn đầu thế giới với số lượng người dùng lớn nhất. Đối với người kinh doanh như chị Vũ Thị Thanh Hoa (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình), sử dụng mạng xã hội Facebook 5 năm nay như thói quen không thể thiếu, chiếc điện thoại smartphone lúc nào cũng trong chế độ onlne.
Chị Hoa cho biết: mạng xã hội rất tiện ích, bản thân rất thích tham gia cập nhật thông tin trên Facebook hằng ngày để quảng cáo nhà hàng, nói chuyện facetime với bạn bè, chia sẻ hình ảnh đáng yêu của con trong ngày để nhờ Facebook lưu làm kỷ niệm tuổi thơ cho con; quản lý con bằng hình ảnh qua cuộc gọi từ ứng dụng Messenger của Facebook khi tôi đi vắng; được theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thời sự nóng, những clip chia sẻ cách phòng trách con nhỏ bị bắt cóc nơi công cộng cũng như trước cửa nhà, chia sẻ kỹ năng dạy con tuổi vị thành niên, cách ứng xử với mẹ chồng... qua các trang fanpage đăng tin gắn trên tường Facebook.
Cũng với thói quen dùng mạng xã hội, anh Nguyễn Văn Việt, xã Sơn Thành (Nho Quan) cho biết: Do công việc lái xe đường dài, mỗi tháng tôi tranh thủ về nhà với vợ con 2 lần. Do nhà có con nhỏ, một mình vợ chăm 2 con rất vất vả, nhưng nhờ mạng xã hội kết nối gia đình tôi hằng ngày qua chia sẻ hình ảnh sinh hoạt của vợ con hàng ngày trên Facebook, Zalo từ việc con gái đi học hè đến cậu con trai nhỏ tắm, có khi nghịch ngợm phá cả đồ chơi, bắt nạt chị..., do đó tôi nắm bắt được tình hình ở nhà sẽ yên tâm hơn trong công việc.
Mạng xã hội tuy ảo nhưng thật. Đặc biệt, đối tượng trẻ em đang là mối quan ngại lớn khi phải đối diện với nhiều nguy cơ từ mạng xã hội, bởi thời gian qua phụ huynh thường có thói quen, sở thích đăng ảnh khoe con, khoe thành tích học tập của con lên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo... Không khó để thấy những hình ảnh các bé khóc, cười, vui chơi, thậm chí những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của các em như tắm, ngủ, ăn uống... đều được phụ huynh đưa lên và nhận không ít những lời bình luận, khen chê.
Được hỏi về việc cháu có thích mẹ đăng ảnh lên Facebook không, cháu Lê Minh Dương, 9 tuổi ở phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) nhăn nhó cho rằng nếu bố mẹ đăng hình ảnh chúng cháu vui chơi khi đi du lịch thì thích, nhưng nhiều khi cháu thay răng mặt mày nhăn nhó mà bố mẹ cũng chụp lại đăng lên facebook nói để lưu lại kỷ niệm khi cháu lớn xem lại rất thú vị. Mặc dù đồng ý để bố mẹ lưu lại nhưng cháu vẫn không thoải mái, thích thú gì.
Theo quan điểm của nhà chuyên môn về ảnh hưởng của mạng xã hội trẻ em, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Bộ môn Giáo dục thể chất-Tâm lý Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Môi trường mạng mang đến nhiều lợi ích tích cực, đồng thời cũng mang nhiều nguy cơ tổn hại cho người sử dụng. Từ 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 bắt đầu có hiệu lực. Một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin từ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ trẻ.
Trong chương IV của Nghị định số 56-NĐ/CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ, nếu người lớn tự đăng những thông tin này của trẻ sẽ bị coi là phạm luật. Do đó, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ tác hại khi phổ biến rộng rãi và quá chi tiết những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em. Thực tế đã cho thấy những thông tin này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và gây tổn hại lâu dài đến trẻ em. Bởi vì 1 thông tin lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời.
Thực hiện Nghị định 56, đối tượng trẻ em được bảo vệ gồm trẻ em đến 15 tuổi. Tuy nhiên đa phần trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số, hầu như các em tự học hoặc học qua bạn bè, ít người học qua bố mẹ. Đối với trẻ trên 7 tuổi, hầu như đã tiếp cận với mạng xã hội, các em lập những trang cá nhân riêng của mình để sử dụng. Việc dùng mạng xã hội không được định hướng rất dễ vi phạm pháp luật khi vô tình đăng hình ảnh, video xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác qua sự thiếu hiểu biết pháp luật như đăng clip đánh nhau trong học sinh, việc like (thích), shear (chia sẻ), comment (bình luận) những vấn đề tiêu cực, những bài tuyên truyền chống phá Đảng, cách mạng của các thế lực thù địch... hoặc chính các em bị kẻ xấu lợi dụng, bị bắt cóc, gây mất ngủ, giảm khả năng lao động, trầm cảm, sống tiêu cực...
Để mạng xã hội thực sự hữu ích với mỗi người, đặc biệt với trẻ em cần có ý thức, trách nhiệm khi cung cấp các thông tin cá nhân, hình ảnh lên các trang mạng xã hội; cần có quan điểm, chính kiến khi tiếp nhận và xử lý thông tin trên các diễn đàn mạng; không nên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, thế giới ảo, cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào đó. Tạo ra hàng rào miễn dịch đối với các lời mời chào khi tham gia cộng đồng mạng để không ảnh hưởng đến uy tín bản thân và những người xung quanh.
Cần nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, những hiểu biết về một số hành vi nghiêm cấm như kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, các thông tin xuyên tạc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... để các em có bản lĩnh vững vàng để nhận định đúng, xử lý thông tin chính xác, đúng định hướng, không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, với mỗi gia đình cần dạy trẻ sử dụng Internet an toàn, nhắc nhở trẻ về 4 nguyên tắc an toàn khi truy cập Internet đó là không cho biết thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ, không dùng chung mật khẩu; thường xuyên trao đổi với các phụ huynh khác về những cách thức giáo dục, kiểm soát con cái, kết nối với nhà trường. Giúp trẻ cân bằng cuộc sống thật và cuộc sống trên mạng xã hội bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Từ đó trẻ sẽ nhận thức rõ ràng về bản thân và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh vớingười khác trong xã hội, rèn luyện tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những va chạm thực tế.
Tiến Minh