Với sở thích "lướt Facebook" và zalo vào các trang mua sắm trực tuyến, chị Nguyễn Thị Lan, thành phố Tam Điệp thường xuyên đặt hàng qua mạng từ đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, quần áo, cây giống..., thế nhưng đã không ít lần chị Lan phải ngậm ngùi khi nhận được hàng kém chất lượng, không đúng như mẫu quảng cáo.
Những câu chuyện về người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng không hiếm, nhưng hầu như người mua đều có tâm lý chung là chấp nhận chứ không phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền hay Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chị Lan cho biết: Do giá trị sản phẩm không lớn nên không muốn tranh cãi với nơi bán hàng mà chỉ coi đó là bài học cho mình khi mua hàng qua mạng chứ không biết phải phản ánh đến cơ quan nào.
Theo Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Để tránh bị kiểm soát, người bán sử dụng hình ảnh thật khi đăng trên mạng, nhưng khi sản phẩm khách hàng nhận được lại là hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, việc người dân bị lừa mua hàng qua mạng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc nhưng hầu hết đều không có thói quen bảo vệ quyền lợi của mình trước những hành vi vi phạm gian lận thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Để việc mua sắm qua mạng trở thành thói quen của người tiêu dùng trong thời đại 4.0, chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 là "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Thực hiện Kế hoạch số 1588/KH-SCT về việc tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức in, treo 15 băng zôn ngang và 60 băng zôn dọc trên các tuyến đường phố tại thành phố Ninh Bình với các nội dung: Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp; 1800.6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc; hãy là người tiêu dùng thông thái trong thương mại điện tử; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về sức khỏe, tài sản, tính mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; người tiêu dùng có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm trực tuyến...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã đề nghị UBND các huyện, thành phố trong khả năng của địa phương chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, sự kiện công cộng nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; vận động, khuyến khích các đơn vị quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam…
Đồng thời, Sở Công Thương còn tích cực phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình xây dựng các tin, bài, chuyên đề về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Với chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 là "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử", các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng, đồng thời nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò của người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình trong hoạt động mua bán hàng hóa, từng bước xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thơm