Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển được huyện Kim Sơn tích cực triển khai bằng nhiều biện pháp như: Xử lý một số kho thuốc bảo vệ thực vật trước đây; triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên tất cả các xã, thị trấn; phát động chương trình làm sạch dòng sông, xử lý nghiêm với những hành vi vứt rác xuống sông, bảo vệ, giữ gìn hệ thống sông ngòi...Đặc biệt, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể về vấn đề môi trường. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ đó người dân tự giác giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường sinh sống.
Về công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, địa phương đã bố trí diện tích đất để chôn lấp, tập kết rác, làm cống rãnh thoát nước thải và xử lý nước thải. Hiện, 100% các xã, thị trấn đã có quy hoạch nơi tập kết và xử lý rác có diện tích từ 500-1.000 m2.
Các xã, thị trấn cũng thành lập ban chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, thành lập các tổ vệ sinh môi trường, hướng dẫn, vận động nhân dân phân loại rác, khuyến khích tự xử lý rác thải không độc hại ngay tại gia đình hoặc khu dân cư. Huyện đã đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc đánh giá khu dân cư thôn, xóm, phố và gia đình văn hóa. Do đó hoạt động bảo vệ môi trường khu dân cư của các địa phương trong huyện đã đi vào nề nếp, đường sá phong quang sạch đẹp, môi trường nước, không khí đảm bảo.
Đối với công tác bảo vệ môi trường vùng biển, hàng năm huyện chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với các đơn vị, các xã bãi ngang thường xuyên ra quân thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Đồng chí Mai Thị Luyến, Phó bí thư Huyện đoàn Kim Sơn cho biết: Tại khu vực bãi bồi huyện Kim Sơn, mỗi năm có hàng tấn rác thải trôi dạt vào bờ với nhiều chủng loại, trong đó phần đa là túi nilon, vật dụng sinh hoạt bằng nhựa khó tiêu hủy.
Xác định rõ ảnh hưởng của rác thải tới môi trường sống và sự phát triển kinh tế, đặc biệt là nghề nuôi trồng thủy hải sản, Huyện đoàn Kim Sơn đã chỉ đạo đoàn viên thanh niên các xã bãi ngang phối hợp với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn ra quân chiến dịch "Hãy làm sạch biển" tổ chức vớt rác dọc theo bờ biển, phân loại rác và xử lý rác bằng biện pháp đốt hoặc chôn lấp.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân trên địa bàn về vai trò của biển đối với đời sống con người; xây dựng ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường biển cũng như môi trường sống, từng bước đưa hoạt động "Hãy làm sạch biển" trở thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và hiệu quả.
Bên cạnh thu gom và xử lý rác thải tại khu vực bãi bồi, cửa sông, đoàn viên thanh niên còn phối hợp trồng các loại cây xanh giúp chắn sóng, tạo bầu không khí trong lành và bảo vệ môi trường sống.
Ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Nhằm bảo vệ môi trường bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới huyện Kim Sơn tập trung làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên biển, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Để làm được điều đó, huyện Kim Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo và các văn bản pháp luật khác để nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ và nhân dân.
Đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường, đẩy mạnh phong trào làm sạch môi trường, làm sạch biển, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý chất thải, các hoạt động khai thác nuôi trồng thủy, hải sản và ngăn chặn các hành vi khai thác thủy, hải sản bằng biện pháp hủy diệt, các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương luôn gắn liền với công tác bảo vệ và khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Giáng Hương