Chưa bao giờ vấn đề nước sạch lại được quan tâm như hiện nay, nước đục, đỏ hay có giun trong thời gian vừa qua đã làm người dân lo lắng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch đó là nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước không đảm bảo.
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào cũng không ngoại trừ ở các trạm cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Để kiểm chứng vấn đề này, chúng tôi đã đi thực tế ở một số trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.
Tại Trạm cấp nước sạch xã Mai Sơn (Yên Mô), nước đầu vào (hay còn gọi là nước thô) được lấy từ con sông Ghềnh. Khu vực lấy nước đầu vào ngay trước Nhà máy xảy ra tình trạng ô nhiễm do người dân ngâm luồng kinh doanh nhiều năm nay. Có mặt tại đây chúng tôi được chứng kiến hình ảnh hàng nghìn cây luồng ngâm ngay dưới sông. Hầu hết các hộ dân sống xung quanh khu vực đoạn sông này đều cảm thấy khó chịu do mùi hôi thối của luồng ngâm bốc lên.
Bà Đinh Thanh Hương, xã Mai Sơn cho biết: "Hiện trạng ngâm luồng ở sông Ghềnh đã diễn ra từ rất lâu rồi, gây ảnh hưởng đến môi trường nước và môi trường không khí xung quanh. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà chúng tôi còn lo lắng chất lượng nước sạch không được đảm bảo do nhà máy lấy nước từ đây để xử lý.
Người dân rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, vận động để đơn vị kinh doanh luồng có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hoặc di dời ra khu vực xa dân cư".
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Trạm trưởng Trạm cấp nước sạch xã Mai Sơn: Trạm cấp nước sạch Mai Sơn có công suất 400m3/h và hiện nay đã cấp nước sạch cho 95% số hộ dân của xã. Tại nguồn nước đầu vào có bè luồng lớn, khi luồng được ngâm sẽ phân hủy chất hữu cơ gây ra mùi và làm nước có màu.
Với phương châm phục vụ nhân dân, Trạm luôn tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, mang đến nguồn nước sạch, đảm bảo cho nhân dân. Để xử lý tình huống này, Trạm đã thêm hóa chất (gồm phèn và clo) tăng gấp 2-3 lần so với các Trạm cấp nước tập trung khác, có thời điểm phải tăng lên 3,5-4 lần mới đảm bảo nước theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Trạm còn trang bị thiết bị kiểm tra chất lượng nước và tiến hành kiểm tra đều đặn. Qua công tác kiểm tra, Trạm đã điều chỉnh lượng hóa chất như nồng độ phèn, nồng độ clo phù hợp.
Rời trạm cấp nước sạch xã Mai Sơn, chúng tôi đến thăm Trạm cấp nước tập trung xã Khánh Cư (huyện Yên Khánh) thuộc Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình quản lý. ở đây nguồn nước đầu vào cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do chính người dân gây ra.
Đi dọc đoạn đê sông Đáy, gần bến đò Thông thuộc khu vực lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước có đến 5-6 bãi rác tự phát, có những bãi còn nguyên rác thải sinh hoạt, có bãi đã được xử lý dở dang bằng cách đốt lộ thiên.
Chỉ tay vào biển cảnh báo khu vực lấy nước của Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình, anh Ngô Quang Văn, Trạm trưởng Trạm cấp nước tập trung Khánh Cư cho biết: Mặc dù đã có biển cảnh báo nhưng người dân vẫn ngang nhiên đổ rác trong khu vực và còn đổ luôn vào chân cột cắm biển. Rác không được xử lý triệt để, chỉ cần một cơn gió mạnh hay mưa là có thể bay hết xuống sông, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, khu vực nước đầu vào cách bến đò Thông gần 100m với lưu lượng phương tiện và người đi lại khá đông cũng làm nước trở nên đục. Trong khi quy định bến đò phải cách nguồn nước đầu vào 300 m mới đảm bảo chất lượng nước.
Được biết, hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 105 công trình cấp nước tập trung, trong đó rất nhiều trạm ở khu vực nông thôn đang có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước đầu vào.
Theo ông Nguyễn Tử Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình - đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng 32 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được xây dựng bằng nguồn vốn Ngân hàng thế giới cho biết: Những năm gần đây, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào ở các công trình cấp nước tập trung rất cao.
Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa có ý thức nên còn xả chất thải, rác sinh hoạt và chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, nuôi cá với mật độ dày đặc ở khu vực sông, hồ chứa nước.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với các dự án đầu tư không gắn sản xuất với bảo vệ môi trường đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để bảo vệ nguồn nước đầu vào, trước hết, các địa phương, các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của nước sạch, nước đầu nguồn.
Thông qua đó, mỗi tổ chức cũng như người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống; đồng thời có ý thức đối với hành động, việc làm của mình để không gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch quý giá mà xã hội đang sử dụng mỗi ngày.
Nguồn nước đầu vào có vai trò rất quan trọng đến chất lượng nước sạch đầu ra, chính vì vậy người dân phải xác định được bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Việc nâng cao ý thức cộng đồng và bảo vệ nguồn nước được thể hiện bằng những việc làm cụ thể: không vứt rác bừa bãi, không xả thải trực tiếp vào nguồn nước, sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn... Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Đối với nước thải, chất thải từ công nghiệp, y tế phải xử lý theo qui định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Tử Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình: Đối với các đơn vị kinh doanh, khai thác các công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền và giải quyết kịp thời những sự cố về môi trường xảy ra ở khu vực lấy nước đầu vào.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tập trung vớt bèo, rác thải... trong khu vực nguồn nước. Mỗi công nhân của Công ty phải xác định công tác xử lý môi trường nguồn nước đầu vào là việc làm và trách nhiệm của mình, được gắn liền với công tác thi đua, khen thưởng trong sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Bài, ảnh: Hồng Giang