Từ nguy cơ thất truyền
Đồng chí Nguyễn Xuân Bính, Phó phòng Văn hóa - Thể thao huyện Yên Mô cho biết: Hát xẩm tại Yên Mô có đặc trưng là xẩm chợ, với nhiều làn điệu phong phú, có một số bài hát nổi tiếng do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu sáng tác. Hát xẩm đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do nghệ nhân Hà Thị Cầu- người được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống" không còn nữa. Việc truyền dạy chủ yếu do truyền khẩu là chính, nên rất khó khăn trong việc sao lưu, bảo tồn. Hát xẩm là loại hình nghệ thuật rất khó hát, người có được chất xẩm và kiên trì, nhiệt huyết theo đuổi loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là ở giới trẻ lại càng ít. Hơn nữa, số người biết chơi nhạc cụ cho hát xẩm chỉ còn khoảng 30 người, chủ yếu là các cụ già và những người trung tuổi. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức, triển khai thực hiện việc bảo tồn loại hình nghệ thuật hát xẩm còn hạn chế... Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị những nét văn hóa truyền thống của hát xẩm luôn là trăn trở của các đồng chí lãnh đạo huyện và những người yêu mến loại hình nghệ thuật này.
Theo sự giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Yên Mô, chúng tôi đến xã Yên Nhân để tìm gặp bà Phạm Thị Kim Ngân - một trong những người am hiểu và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát xẩm của huyện. Bà hiện là Chủ nhiệm CLB hát xẩm Kim Ngân.
Kể về "duyên" gắn bó với hát xẩm của mình, bà Ngân cho biết: Tôi tình cờ gặp và quen thân với chị Nguyễn Thị Mận- con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Vốn là người rất "say" với những làn điệu xẩm nên khi được nghe cụ Cầu hát, tôi như bị "hút hồn" qua từng lời ca, tiếng đàn nhị của cụ. Thế là những lúc rảnh, tôi lại đạp xe từ nhà (xã Yên Nhân) lên xã Yên Phong để tìm gặp và nhờ cụ Cầu truyền đạt các làn điệu, bài hát xẩm. Bà Ngân nhớ lại: Đời thường, cụ Cầu là người xuề xòa, nhưng nói về hát xẩm, truyền xẩm cụ lại rất kỹ tính. Cụ từng nói, "hát xẩm không kén người nghe, nhưng kén người hát, nếu không "mê" thì đừng có cố khiên cưỡng theo nghề, chẳng ích gì đâu".
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Giai điệu xẩm uyển chuyển, tinh tế, lời xẩm mộc mạc dễ hiểu, phong cách chậm rãi, tự do, thích hợp cho hình thức tự sự và trữ tình. Giá trị thiết thực nhất mà hát xẩm mang lại đó chính là giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của người Việt qua những bài hát về tình nghĩa vợ chồng, ơn cha, nghĩa mẹ sinh thành, tình yêu quê hương, đất nước với những ca từ mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu... Vì lẽ đó mà hát xẩm không "kén" người nghe. Tuy nhiên, không phải ai hiểu xẩm, yêu xẩm cũng hát được xẩm và có được thành công từ hát xẩm lại càng khó. Nó đòi hỏi người hát ngoài năng khiếu về thanh nhạc cần có sự trải nghiệm để thấm được những ngón rung, nhấn của đàn nhị mỗi khi hòa cùng nhịp trống, phách, ấy là khi người nghệ sĩ thực sự cảm nhận được hết cái "hồn của xẩm". Có lẽ vì vậy mà trong số nhiều người cùng với bà Ngân từng theo học cụ Cầu nay chỉ còn lại rất ít người hát được xẩm.
Đến những nỗ lực bảo tồn, phát triển
Sớm nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn của nghệ thuật hát xẩm, năm 2011, huyện Yên Mô đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án "Khôi phục bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình", Yên Mô là địa phương trọng điểm của Đề án.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Yên Mô đã phối hợp với Nhà hát Chèo Ninh Bình tuyển chọn 10 học viên có năng khiếu hát xẩm ở các CLB hát chèo, hát xẩm trên địa bàn huyện để cử đi đào tạo. Và từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở được 10 lớp truyền dạy hát xẩm cho trên 300 người yêu thích hát xẩm. Ngoài ra, huyện còn tổ chức lớp hát xẩm cho các giáo viên thanh nhạc ở các trường Tiểu học, THCS và các em học sinh trên địa bàn huyện nhằm đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học. Để xây dựng lớp nhạc công trẻ kế cận, huyện đã mở lớp dạy cách sử dụng một số nhạc cụ chính thường được dùng trong hát xẩm (nhị, trống, sênh...) cho 40 người. Kết thúc các khóa học, nhìn chung các học viên đều nắm được một số làn điệu hát xẩm, tích cực tham gia sinh hoạt tại các CLB trên địa bàn huyện, góp phần từng bước đưa môn nghệ thuật này thấm sâu vào đời sống nhân dân, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tự hào với truyền thống nhân văn của quê hương, người Yên Mô luôn tìm tòi, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mình. Một trong những người tâm huyết với nghệ thuật xẩm là Chủ nhiệm CLB hát xẩm Kim Ngân. Hơn 3 năm qua, bà Ngân đã cùng các cộng sự truyền đạt kỹ năng hát xẩm cho trên 100 người. Hiện tại, bà đang hướng dẫn cho 9 học sinh Trường THCS Yên Nhân và các lớp học đều được bà dạy miễn phí. Trong số các học sinh do bà Ngân hướng dẫn, nhiều em đã xuất sắc giành giải cao tại các hội diễn văn nghệ quần chúng do tỉnh tổ chức.
Hôm chúng tôi tới nhà bà Ngân, cũng vừa lúc bà đang cùng các học trò "xẩm nhí" say sưa luyện tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng 25 năm tái lập huyện Yên Mô. Lớp học đã gần trưa mà cả cô và trò đều hăng say luyện tập. Các trò "xẩm nhí" tỏ ra khá thích thú và chú tâm học cách lấy hơi, buông hơi, nhả chữ, luyến láy... Những làn điệu xẩm chợ, xẩm tàu điện cùng thanh âm réo rắt của đàn nhị, nhịp sênh, nhịp trống hòa quyện, đan xen cùng giọng hát lúc trầm, lúc bổng..., khiến cho không gian yên tĩnh của vùng quê Yên Nhân trở nên khoáng đạt, phiêu bồng.
Cùng với CLB hát xẩm Kim Ngân, hiện trên địa bàn huyện Yên Mô có 20 CLB hát chèo, hát xẩm, thu hút trên 600 hội viên tham gia. Các CLB đã xây dựng Quy chế hoạt động, thường xuyên tập luyện, giao lưu trong các ngày Lễ, ngày hội tại địa phương và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Cứ thế, những làn điệu xẩm đã không còn bó hẹp trong không gian hội làng, hội chùa hay góc chợ, bến xe như trước kia mà nay hát xẩm đã vang lên trên sân khấu, tại các sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao, du lịch của tỉnh, của huyện Yên Mô. Với hoạt động thiết thực trong bảo tồn, phát huy giá trị hát xẩm, Yên Mô đã và đang đóng góp quan trọng cho hành trình của Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Minh Ngọc