Các làng nghề phát triển rộng khắp như nghề cói trước kia chỉ có ở Kim Sơn, nay mở rộng sang các huyện Yên Mô, Yên Khánh; nghề thêu ren trước tập trung nhiều ở Hoa lư nay phát triển mở rộng sang các huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, thị xã Tam Điệp và có thêm nhiều cơ sở vệ tinh ở các tỉnh bạn; nghề chạm khắc đá phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao và xuất hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập cao; các nghề mộc mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan, nứa chắp cũng đang được phát triển. Với chính sách tôn vinh làng nghề, từ năm 2006 -2011, trong tổng số 245 làng có nghề đã có 54 làng được công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh, trong đó có 33 làng nghề chế biến cói; 5 làng nghề chế tác đá; 6 làng nghề mây tre đan...
Các làng nghề liên tục phát triển ở tất cả các địa bàn trong tỉnh từ thị xã, thị trấn đến vùng nông thôn thuộc vùng sâu, vùng xa và phát triển ở hầu hết các ngành nghề. Giá trị sản xuất của các làng nghề liên tục tăng, đến năm 2011 giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 1.205,5 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Những làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất hàng năm cao là làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ Ninh Phong (đạt 30-40 tỷ đồng/năm); nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (60-100 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động tham gia làm nghề tại các làng nghề trên 25.000 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 800.000 đồng đến 950.000 đồng/người/tháng. Các làng nghề phát triển đã kéo theo sự hình thành các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Trong 245 làng có nghề đã có 24.203 hộ tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 65 công ty Cổ phần, 126 công ty TNHH, 198 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và tổ sản xuất.
Sự hình thành và phát triển các làng nghề đã mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước khó khăn trong việc duy trì phát triển sản xuất như nguồn vốn hạn hẹp, thiết bị sản xuất lạc hậu, thô sơ, trình độ tay nghề của lao động cũng như năng lực quản lý của chủ cơ sở còn hạn chế, nguyên liệu đầu vào, giá cả thị trường không ổn định, môi trường sản xuất, kinh doanh bị ô nhiễm…
Để duy trì và phát triển bền vững làng nghề cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ các làng nghề giải quyết những khó khăn. Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để duy trì, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung xây dựng và quy hoạch phát triển làng nghề, kết hợp với du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương. Tập trung vào công tác hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và đầu tư hạ tầng các khu làng nghề, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư. Đầu tư xử lý ô nhiễm làng nghề, hỗ trợ công tác đào tạo nghề. Tiếp tục hỗ trợ làng nghề lập hồ sơ trình Hội đồng xét duyệt công nhận làng nghề cấp tỉnh, phấn đấu trong năm 2012 có từ 10-15 làng nghề được tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh.
Bài, ảnh: Hồng Giang