Vùng đất Ninh Vân bao quanh là những dãy núi đá, người dân nơi đây đã sớm được giao lưu tiếp xúc với nghề sản xuất đá mỹ nghệ. Gần mười năm trở lại đây, nhờ đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nghề sản xuất đá mỹ nghệ đã phát triển mạnh trở lại, đời sống của người dân được nâng cao, trong làng đã có những tỷ phú. Chúng tôi gặp bác Nguyễn Hữu Minh - một trong những người thợ lành nghề nổi tiếng của làng đá Ninh Vân, bác chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, khi đang học lớp 9 tôi phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo. Nhưng với suy nghĩ không thể lấy điều kiện khó khăn để ngụy biện cho việc nghèo khó, tôi đã nung nấu ý định sẽ trở thành một người thợ đá mỹ nghệ giỏi để gắn bó với mảnh đất quê hương.
Sau khi dời quân ngũ, bác Minh vẫn xác định không nghề gì lâu bền bằng nghề này. Cùng với lòng quyết tâm và yêu nghề, từ một người học việc đã trở thành một người thợ lão luyện, bàn tay bác đã từng tham gia xây dựng, trùng tu các công trình từ nhỏ tới lớn, trong đó có nhiều công trình mang tầm cỡ như Nhà thờ đá Phát Diệm, nghĩa trang của tỉnh, Đền thờ vua Đinh - vua Lê, cổng chào Tam Cốc - Bích Động… Hiện nay bác còn là "hậu phương" vững chắc cho con trai thành lập Công ty TNHH Anh Việt, tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo giới thiệu, chúng tôi tìm tới cơ sở sản xuất đá Đức Long, chủ của cơ sở này là một người còn khá trẻ, thuộc thế hệ 8X. Sau khi học hết THCS, Dương Long quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh học nghề điêu khắc đá. Năm 2007, Long về quê và thuê gần 600 m2 đất để mở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ với số vốn gần 300 triệu đồng. Thời gian đầu mới thành lập, đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, cơ sở của Long có lúc đứng bên bờ vực phá sản nhưng với ý chí quyết tâm của tuổi trẻ, giờ đây Long đã đứng vững và là chủ cơ sở sản xuất với 11 lao động thường xuyên, thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của cơ sở không chỉ có mặt ở thị trường nội địa mà đã vươn ra thị trường quốc tế như: úc, Đài Loan… Năm 2010, doanh thu của cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ do Long làm chủ đã lên đến 1 tỷ đồng, đạt lợi nhuận gần 400 triệu đồng… mở ra nhiều hướng sản xuất, kinh doanh mới với những tín hiệu vui.
Hiện nay, toàn xã Ninh Vân có trên 200 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, thu hút khoảng 1.500 lao động, trong đó hơn 1.000 lao động của xã, còn lại là của các xã lân cận, với thu nhập từ 3.500.000 - 4.000.000 đồng/người/tháng. Từ nghề sản xuất đá mỹ nghệ nhiều thanh niên đã có công ăn việc làm ổn định, nhiều người nông dân đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Nếu như trước đây, các hộ sản xuất đá mỹ nghệ chủ yếu làm thủ công thì giờ đây phần lớn các cơ sở trong xã đã đầu tư hàng tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất ở đây thì yếu tố đầu tiên tạo được chỗ đứng cho làng nghề là chất lượng và giá cả sản phẩm, giá cả cạnh tranh được là vì làng nghề đã tận dụng được nhiều lợi thế nguồn nhân lực nhàn rỗi ở địa phương, không mất tiền thuê mặt bằng và sử dụng nguyên liệu trong nước. Sản phẩm đá mỹ nghệ chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước nên không bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề xã Ninh Vân, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hưng Phát cho biết: Điều băn khoăn nhất của những người yêu nghề, muốn gắn bó suốt đời với nghề là làm sao đào tạo cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân vừa giữ được nét truyền thống, vừa đạt đến độ tinh xảo, để tạo nét đặc sắc, riêng biệt cho làng nghề. Nếu như ngày xưa, muốn làm được nghề, thợ phải học mất vài năm thì nay rút xuống chỉ còn vài tháng, do đó kỹ thuật đào tạo không sâu. Xét về quy mô làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ Ninh Vân vẫn chưa thoát khỏi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Mặt khác, tại đây đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi từ các cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường sống của từng hộ dân. Hiện xã đang kiến nghị huyện, tỉnh cho đầu tư xây dựng làng nghề 2 để giãn các cơ sở sản xuất. Nếu đề án trên được phê duyệt thì cơ hội mới sẽ mở ra cho làng nghề và tình trạng ô nhiễm môi trường cơ bản được khắc phục.
Vân Anh