Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Nhà nước và tỉnh Ninh Bình đã có các chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT như người nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, người cao tuổi...
Bảo hiểm y tế, "cứu cánh" cho bệnh nhân nghèo
Nhờ có BHYT mà nhiều người bệnh có điều kiện chữa trị các bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Thực sự, tấm thẻ BHYT không chỉ là "cứu cánh" cho tất cả các bệnh nhân không may mắc bệnh, mà đặc biệt với bệnh nhân kém may mắn phải lấy bệnh viện là nhà thì đây thực sự là tấm "bùa hộ mệnh" cho họ và gia đình.
Hơn 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Hà, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) không may mắc bệnh ung thư dạ dày. Trước đó hơn 1 năm, chồng bà Hà cũng đã mắc căn bệnh này, việc chữa trị cho ông cũng đã gặp nhiều khó khăn. Nay 2 vợ chồng đều bị bệnh nan y, tuổi đã cao, không có nguồn thu nhập ổn định (trước đây ông đi làm thuê, bà làm nông nghiệp với vài sào ruộng), thì thực sự là nỗi lo lắng lớn.
Bà Hà cho biết, khi không bị bệnh, còn có thể đi làm, cuộc sống vốn đã khó khăn rồi. Nay cả 2 bị bệnh, các con đều đã lập gia đình riêng, cuộc sống cũng không khá giả gì. Rất may, cả hai ông bà đều tham gia BHYT hộ gia đình, do đó mới có thể được điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chị Trần Thị Ngoan, xã Khánh Dương năm nay mới 53 tuổi nhưng đã có hơn 3 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đây, 2 vợ chồng chị đi làm thuê và làm 9 sào ruộng nuôi các con ăn học, cuộc sống cũng tạm đủ. Nhưng từ khi chị Ngoan mắc bệnh hiểm nghèo, tiền thuốc thang chạy chữa tốn kém, gia đình chị chuyển thành hộ nghèo, được Nhà nước cấp BHYT miễn phí.
"Nếu không có thẻ BHYT, tôi không thể có điều kiện chữa bệnh, bởi chạy thận nhân tạo rất tốn kém, ít nhất cũng hơn 10 triệu đồng/tháng. Hiện giờ tôi còn mắc thêm căn bệnh viêm gan C nữa, nên sức khỏe giảm sút, không làm được việc gì. Mỗi tuần chạy thận 3 lần, tôi chỉ gắng gượng ở nhà cơm nước cho chồng con. Rất may được Nhà nước hỗ trợ BHYT cho đối tượng nghèo với chi phí chi trả 100%, nếu không tôi không thể duy trì việc chữa bệnh..."- chị Ngoan xúc động cho biết.
Bác sỹ CKII Trịnh Hùng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với bệnh nhân ung thư nói chung, thường chi phí điều trị rất tốn kém, kéo dài. Với số tiền lớn hàng chục, vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị bệnh nhân mắc ung thư tùy vào từng thể loại bệnh, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh khó và không thể tiếp cận lâu dài được với các phương pháp điều trị bệnh hiện đại, giúp bớt đau đớn và nhanh khỏi bệnh. Hiện nay, gần 100% bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Ung bướu có BHYT, góp phần không nhỏ hỗ trợ người bệnh yên tâm điều trị.
Một bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay, trên 90% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đều tham gia BHYT với các loại hình bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, riêng đối với các khoa có bệnh nhân nặng như Thận nhân tạo, Ung thư, Tim mạch, Đột quỵ..., có đến 99% người bệnh đều tham gia BHYT để được chi trả phần lớn các chi phí điều trị theo danh mục của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam quy định.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh chất lượng, hiệu quả, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với BHXH, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh, giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, hạn chế tình trạng chuyển tuyến cũng như yên tâm lựa chọn bệnh viện để điều trị sau khi đã thông tuyến tỉnh.
Ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Những năm qua, ngành BHXH đã có nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT. Riêng đối với học sinh, sinh viên, ngoài 30% kinh phí mua thẻ BHYT được ngân sách nhà nước cấp, từ năm 2018 đến nay, ngân sách của tỉnh hỗ trợ thêm 20% mệnh giá mua thẻ. Ninh Bình cũng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có 100% đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua thẻ BHYT...
Trong năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút trên 906 nghìn người tham gia, đạt hơn 100% kế hoạch, góp phần đạt tỷ lệ 91,24% dân số tham gia BHYT; vượt 1,24% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Quyền lợi người tham gia BHYT luôn được bảo đảm theo quy định. Các thủ tục trong khám, chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ, khẳng định tính ưu việt khi tham gia BHYT của người dân để được chăm sóc sức khỏe ban đầu và hỗ trợ kinh phí khi phải điều trị bệnh nặng.
Có thể nói, việc tham gia BHYT đảm bảo cho cuộc sống của mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng và Nhà nước, thực hiện sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng đến xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ. Tấm thẻ BHYT cũng thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với người ốm yếu, bệnh tật, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc ta "lá lành đùm lá rách", người khỏe chia sẻ với người bệnh...