Nhiều vợ chồng trẻ ly hôn
Ông Đinh Huy Lưỡng, Chánh tòa Dân sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) cho biết: Trong 5 năm (2012-2017), hệ thống Tòa án hai cấp đã thụ lý và giải quyết án hôn nhân gia đình với số lượng là 5.938 vụ. Trong đó có 4.064 vụ người vợ làm đơn; 1.919 vụ người chồng làm đơn. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều gia đình trẻ ly hôn (số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi từ 18-30 chiếm khoảng 50%).
Nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến ly hôn chủ yếu là do bạo lực gia đình, vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng, bệnh tật, không có con, mâu thuẫn kinh tế (chiếm trên 80%) còn lại là các nguyên nhân khác. Theo ông Đinh Huy Lưỡng: Mỗi cặp vợ chồng quyết định ly hôn cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có thể dễ dàng "nhận dạng" một số nguyên nhân cơ bản như: mâu thuẫn trong lối sống. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở các cặp vợ chồng trẻ, mà nguyên do là xuất phát từ chính tình yêu bồng bột và cuộc hôn nhân vội vàng của họ. Trong khi đó đều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Nguyên nhân khác nữa là do vợ, chồng ngoại tình; mâu thuẫn trong chuyện "chăn gối"; bạo lực gia đình, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập ma túy. Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình. Mâu thuẫn với bố mẹ, anh chị em hai bên, mâu thuẫn trong quan hệ "mẹ chồng - nàng dâu", mâu thuẫn giữa con rể với bố mẹ vợ hoặc mâu thuẫn giữa bố mẹ hai bên, giữa chị chồng và em dâu… cũng rất dễ đến sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng.
Hậu quả nặng nề
Ai cũng hiểu rằng ly hôn đồng nghĩa với việc hai người không còn duy trì quan hệ vợ chồng, được tự do lựa chọn cuộc sống mới cho mình. Và những "hệ lụy" mà ly hôn đem lại cũng là điều dễ dàng nhận thấy. "Nạn nhân" đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ly hôn chính là những đứa con. Theo số liệu thống kê từ hệ thống Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh, trong 5 năm qua, có trên 60% các vụ án ly hôn khi các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con (tỉ lệ số vụ án có con chưa thành niên năm 2012 chiếm 42,14%, năm 2017 chiếm 56,39%).
Và theo các chuyên gia tâm lý, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, dù cha mẹ có chia tay nhau trong hoàn cảnh nào thì đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng, nhất là nếu chúng còn nhỏ. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường như: Hút thuốc sớm hơn; Khả năng học toán và giao kết xã hội kém; dễ bị bệnh; tăng khả năng bỏ học; xu hướng phạm tội tăng; tăng khả năng ly hôn sau này; tăng nguy cơ chết sớm.
Một "hậu quả" khác của ly hôn mà chính người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, đó là "dư chấn tâm lý nặng nề" in hằn trong mỗi người. Không thể phủ nhận ly hôn thực sự là một dấu mốc bi kịch trong cuộc đời ai đó, bởi sau ly hôn, người ta không chỉ phải đối mặt với gánh nặng kinh tế do khối tài sản chung đã chia đôi…, với nỗi lo toan cho con cái, sự trăn trở khi bắt đầu lại cuộc đời mà hơn hết còn là nỗi buồn, sự hoang mang và nỗi cô đơn đáng sợ.
Với kinh nghiệm trong nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hôn nhân gia đình, ông Đinh Huy Lưỡng, Chánh tòa Dân sự cho rằng: Chúng ta cũng không nên nhìn nhận quá tiêu cực về ly hôn. Chính vì xã hội có những cái nhìn tiêu cực về ly hôn nên nhiều cặp vợ chồng cố gắng chịu đựng. Điều này gây ra hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả việc ly hôn: Con cái phải sống trong một môi trường suốt ngày cãi vã, không có sự yêu thương, gia đình không còn là nơi mà các con muốn tìm về, các con dễ lao vào các tệ nạn xã hội. Hậu quả của ly hôn mang lại đó là tổn thương về tâm lý con cái, nhưng các bậc cha mẹ hãy nghĩ "Khi bản án hôn nhân có hiệu lực có thể chúng ta không còn quan hệ gì nhưng chúng ta hãy cùng nhau vun đắp tình cảm cho con cái dù không còn chung một mái nhà, vì đó là những người mà ta yêu thương nhất".
Đâu là giải pháp
Trong quá trình tiếp nhận, xét xử các vụ án ly hôn, điều đáng ghi nhận là các cấp Tòa án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Tòa án cấp sơ thẩm đã rất chú trọng công tác hòa giải và liên tục đạt kết quả hòa giải cao trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình. Nhiều bản án, quyết định Tòa án bác đơn xin ly hôn một cách đúng đắn đã tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc hàn gắn những rạn nứt không đáng có trong tình cảm và cuộc sống chung của vợ chồng. Ngược lại, nhiều bản án và quyết định của Tòa án cho ly hôn kịp thời, đúng lúc, khi cuộc sống chung không thể kéo dài được đã giúp cho đôi bên vợ chồng có điều kiện tái lập hạnh phúc khác. Qua xét xử hôn nhân gia đình, Tòa án nhân dân hai cấp đã quan tâm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ sau ly hôn và bằng những phán quyết của mình, Tòa án nhân dân đã góp phần rất quan trọng về việc giao con chưa thành niên cho người cha hoặc người mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc trên cơ sở bảo đảm tối đa cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần cho trẻ em và người chưa thành niên.
Ông Mai Khanh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho rằng, thật khó để đưa ra giải pháp giảm thiểu nạn ly hôn vì đó là một quy luật của cuộc sống, nó tiềm ẩn trong ý thức cá nhân mỗi con người, có điều làm thế nào có thể thay đổi suy nghĩ của mỗi người về cuộc sống hôn nhân nhằm giảm thiểu những cuộc ly hôn không đáng có đang là vấn đề quan trọng. Trong những năm vừa qua, ngành Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã và đang cố gắng nỗ lực hết sức mình vì nhiệm vụ chung của toàn xã hội, thực hiện tốt công tác hòa giải để hạn chế số vụ ly hôn. Vấn đề cần đặt ra là phải tìm ra được những giải pháp có tính thực tiễn nhất để giảm thiểu những vụ án ly hôn có tính chất tiêu cực như: Trang bị kiến thức trước khi kết hôn, chuẩn bị tốt về tài chính, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân khi kết hôn, chung thủy, nói không với bạo lực gia đình và tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy... Bên cạnh đó phải nâng cao trình độ năng lực cũng như đạo đức, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của những người làm công tác chuyên môn trong việc giải quyết những vụ án ly hôn là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân để đảm bảo cho việc giải quyết ly hôn được chính xác, khách quan.
Mai Lan