Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2019, nông nghiệp Việt Nam có tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD (giảm 2,8%), kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD (giảm 6,7%).
Tuy vậy, nhìn chung sản xuất vẫn giữ được ổn định. Cả nước gieo cấy đạt khoảng 3,01 triệu ha lúa Đông Xuân. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông Xuân 2019-2020, các địa phương đã tiến hành gieo sạ sớm hơn trung bình hàng năm tránh được ảnh hưởng của hạn mặn; năng suất trung bình ước 70 tạ/ha cao hơn năm 2019 từ 2-4 tạ/ha.
Bên cạnh đó, thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, trên 97 % số xã đã không còn dịch sau 30 ngày, nhiều địa phương công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất…
Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong nước, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn.
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi hoàn cảnh, đồng thời chuẩn bị những điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh đi xuống có thể thúc đẩy tăng trưởng của ngành, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm.
Trong đó: Sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Đối với chăn nuôi, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.
Tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau, ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn. Phấn đấu diện tích lúa cả năm ước đạt 7,3 triệu ha, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha; diện tích rau màu khoảng 980 nghìn ha, sản lượng 18,2 triệu tấn; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019.
Về vấn đề tiêu thụ nông sản, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước (ưu tiên thị trường nội địa) thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, mặc dù sản xuất nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ nội địa, song cũng đang gặp khó khăn nhất định như: đầu ra tiêu thụ chậm, giá cả vật tư tăng nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp bởi hiện tại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sản lượng giảm nhẹ, việc tái đàn còn chậm do đã xuất hiện dịch cúm gia cầm.
Các giải pháp được đưa ra và thống nhất cao đó là: Giám sát, cảnh báo dịch bệnh, tập trung tái đàn, không bị giãn đoạn. Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng nông nghiệp, tập trung phát triển chăn nuôi thủy sản, duy trì chăn nuôi gia súc gia, cầm và trồng trọt trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí cơ cấu giống, cây trồng, con nuôi để thực hiện mục tiêu trên các lĩnh vực.
Phát biểu kết luận hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trên cơ sở kết luận của đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó Sở cần khẩn trương phối hợp với đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nông dân theo tinh thần Nghị quyết 39 đảm bảo thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị huyện Gia Viễn đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2020.
Hà Phương- Anh Tuấn