Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, trên cả nước, số lượng tàu thuyền có chiều dài từ 6 m trở lên được cấp phép là gần 94.600 chiếc. Trong đó có hơn 2.600 tàu có chiều dài trên 24 m. Các nghề chủ yếu là lưới kéo, lưới rê, câu. Nhằm tăng cường công tác giám sát, quản lý tàu cá, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm hướng dẫn các chủ tàu thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản nhất khâu bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước được cải thiện.
Tổng lượng khai thác thủy sản cả nước năm 2020 đạt 3,85 triệu tấn (tăng 2,06% so với năm 2019), trong đó, khai thác biển là 3,65 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2020 đạt 3,435 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt 1,68 tỷ USD. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới với đầu đủ các chủng loại: đông lạnh, khô, đồ hộp…
Riêng Ninh Bình với chiều dài bờ biển chỉ hơn 20 km nên đội tầu khai thác khá nhỏ bé, toàn tỉnh chỉ có 83 tàu khai thác hải sản, chủ yếu là tàu cỡ nhỏ, hoạt động ven bờ và vùng lộng, chỉ có 4 tàu sắt vỏ thép làm nghề lưới rê hoạt động vùng biển xa bờ Vịnh Bắc Bộ. Tỉnh chưa có cảng cá, các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn cũng chỉ ở quy mô nhỏ, lẻ. Do vậy, hiệu quả khai thác của các tàu cá Ninh Bình còn thấp. Tổng sản lượng khai thác biển 5 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 890 tấn.
Tại hội nghị, các vấn đề về công tác quản lý tàu cá, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, công tác tổ chức sản xuất, khai thác thủy sản… tiếp tục được các đại biểu các địa phương thảo luận. Một số ý kiến đề xuất: Chính phủ cần sớm phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cần giao cho các đơn vị chức năng sớm điều tra nguồn lợi thủy sản trên biển để làm cơ sở cơ cấu lại đội thuyền khai thác. Bên cạnh đó, có những nghiên cứu để nâng cao chất lượng dự báo ngư trường khai thác; đổi mới các thiết bị ngư cụ khai thác theo hướng giảm cá tạp trong thành phần sản lượng…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19, logistic không thuận lợi, giá cước vận tải tăng; ứng dụng công nghệ vào khai thác và bảo quản sau thu hoạch còn chậm, gỡ thẻ vàng EU khó khăn là những trở ngại ảnh hưởng đến ngành thủy sản. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng, giá trị, kim ngạch xuất khẩu năm 2021, Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, Tổng Cục Thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình thời tiết, an ninh trên biển để hỗ trợ ngư dân an tâm sản xuất; tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường khai thác; rà soát đánh giá lại tình trạng tổn thất sau thu hoạch.
Về phía các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh chế biến, dự trữ nguyên liệu, đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa trong thời gian các nước nhập khẩu còn dịch. Đặc biệt, có phương án xuất khẩu hải sản đáp ứng nhu cầu tăng cao sau dịch.
Các địa phương tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn Luật Thủy sản 2017, tăng cường quản lý tàu cá, quản lý ngư trường, nguồn lợi trên địa bàn; công khai hạn ngạch cấp giấy phép khai thác; bố trí nguồn vốn xây dựng, nâng cấp các cảng cá…
Hà Phương- Anh Tuấn