Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai nhiệm vụ quý IV
Thứ Ba, 29/10/2024, 07:24
Zalo
Ngày 29/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2024.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thành phố.
9 tháng năm 2024, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. UBND tỉnh và 8/8 huyện, thành phố đã bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH sớm và đầy đủ hơn so với mọi năm, đạt 83,48 tỷ đồng. Phong trào “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh.
Đến ngày 30/9/2024, doanh số cho vay đạt 1.043.389 triệu đồng với 21.792 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 4.148.650 triệu đồng với 82.535 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ (tăng 7,1% so với đầu năm), hoàn thành 96% kế hoạch tăng trưởng. Đặc biệt, trước ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3, NHCSXH đã kịp thời triển khai các giải pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với 443 khách hàng bị ảnh hưởng... Cùng với đó, bổ sung nguồn vốn để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 89 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm 62,2% tổng số xã trên địa bàn tỉnh).
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trong 9 tháng đầu năm đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 5.700 lao động, giúp 768 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo gần 25 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh, môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 50 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến công tác huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân để tạo thêm nguồn vốn cho vay; tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tín dụng chính sách; tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng triển khai tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn…
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của NHCSXH trong 9 tháng năm 2024 cũng như các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã phát huy hiệu quả giúp chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao.
Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, các Hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao; bổ sung đối tượng vay vốn từ nguồn vốn ủy thác đầu tư địa phương ủy thác sang NHCSXH đối với các đối tượng là hộ có mức sống trung bình, hỗ trợ vay vốn phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch nông thôn, cho vay nhà ở xã hội. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, phấn đấu đến năm 2025 đạt 12% tổng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cũng lưu ý, cần tập trung kiện toàn nhân sự Ban đại diện NHCSXH các cấp; chấn chỉnh tình trạng một số Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chưa thường xuyên tham dự họp giao ban tại Điểm giao dịch xã; chưa kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo hoạt động chính sách trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở về sử dụng vốn vay của hộ vay và công tác quản lý vốn của các Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội, đoàn thể cấp xã.