Vụ đông xuân năm nay, tỉnh ta gieo trồng trên 48.600 ha cây trồng, trong đó, diện tích lúa là hơn 40 nghìn ha. Mặc dù đầu vụ, phải đối mặt với những thách thức rất lớn như: rét đậm, rét hại, hạn hán, mưa đá, nhưng ngành nông nghiệp và các địa phương đã khắc phục rất tốt, toàn bộ diện tích đều đủ nước cho gieo cấy. Việc gieo cũng tập trung, nhanh gọn, trà xuân muộn chiếm gần 95% diện tích. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng lựa chọn được một bộ giống lúa khá chất lượng, đa phần là các giống ngắn ngày, có khả năng chống chịu tương đối với sâu bệnh hại. Đến thời điểm hiện tại, các diện tích lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Đến ngày 5/4, toàn tỉnh có khoảng 800 ha lúa trà xuân sớm trỗ, các diện tích còn lại sẽ trỗ tập trung vào đầu và trung tuần tháng 5. Các chuyên gia nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp & PTNT cảnh báo: Năm nay, do nhuận hai tháng tư, nên dự báo thời tiết thời gian tới sẽ tiếp tục âm u kéo dài, độ ẩm cao, ít nắng. Và hiện tại, rét Nàng Bân rất điển hình. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho sâu, bệnh hại lúa bùng phát. Đặc biệt, theo điều tra thì lúa đông xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh một số diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy với diện tích cao gấp 1,5-3 lần cùng kỳ năm trước. Riêng tại Ninh Bình, nhìn chung từ đầu vụ đến nay, các đối tượng dịch hại gây hại thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại là 415 ha (bằng 13,5% so với năm 2019). Trong đó, diện tích nhiễm nặng là 13 ha (bằng 12,2% so với năm 2019), diện tích đã phòng trừ là 153 ha. Các đối tượng dịch hại được xác định chủ yếu là: chuột, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1, ốc bươu vàng. Ngoài ra, trên các cây trồng khác cũng đã có một số đối tượng sâu bệnh hại phát sinh. Cụ thể: trên cây lạc là bệnh lở cổ rễ, sâu khoang, trên cây ngô là sâu keo mùa thu, trên nhãn vải có bệnh sương mai hại hoa, quả non, trên cây dứa là bệnh thối nõn, rệp sáp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan, lơ là, bởi dịch hại diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang căng sức chống dịch Covid - 19, công tác chỉ đạo, điều tra, phát hiện và kịp thời phòng, chống dịch bệnh trên lúa đông xuân tại các địa phương vẫn cần phải được duy trì, không được chủ quan lơ là, nhằm đạt mục tiêu sản lượng lương thực năm 2020. Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn sâu, bệnh sẵn có trên đồng ruộng, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, nhiều diện tích sẽ bị sâu, bệnh gây hại nặng, đe dọa đến năng suất.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung chăm sóc tốt cho diện tích lúa, đảm bảo đủ nước trong ruộng, hướng dẫn nông dân bón thúc hết lượng kali còn lại cho lúa xuân muộn ở giai đoạn lúa phân hóa đòng, tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo phun trừ đạo ôn lá trên trà lúa xuân muộn diện xanh tốt, bón thừa đạm, giống nhiễm. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông ở các vùng đã bị đạo ôn lá, giống nhiễm như: Nếp, TBR 225, Đài thơm 8, BC 15, Thiên ưu 8… Ông Vũ Khắc Hiếu nhấn mạnh: Đạo ôn là bệnh bùng phát và lây lan rất nhanh, chỉ trong vài ngày có thể tàn phá diện tích lớn. Vì vậy, phương châm là phải chủ động điều tra phát hiện, phòng ngừa từ sớm. Ngoài ra, cũng cần lưu ý bệnh khô vằn, bạc lá. Đồng thời, tiếp tục tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó tập trung biện pháp thủ công như: đào bắt, đặt bẫy…
Được biết, hiện nay Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh đang cử cán bộ phối hợp với các phòng chuyên môn ở các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại như: sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2; điều tra, phát hiện bệnh lùn sọc đen phương Nam, lấy mẫu rầy lưng trắng giám định tỷ lệ mẫu rầy nhiễm vi rút bệnh lùn sọc đen, làm cơ sở để chỉ đạo phòng trừ. Song song với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và áp dụng thực hiện kịp thời, hiệu quả. Chi cục cũng phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại cho sản xuất.
Bài, ảnh: Hà Phương