Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ngành y, nên ngay từ nhỏ bố mẹ đã định hướng cho chị trở thành bác sỹ. Năm 1989, chị tốt nghiệp, chuyên khoa Ngoại- Đại học Y Hà Nội, nhưng bố chị khuyên đi học thêm chuyên khoa mắt vì cho rằng "khoa mắt hợp với con gái hơn". Sau khi học xong chị về Trạm mắt của tỉnh làm việc, nay là Trung tâm phòng chống bệnh xã hội.
Do nghề y là nghề truyền thống của gia đình, bản thân vào nghề y cũng là ý muốn của bố mẹ nên ban đầu chị chỉ coi đó là một công việc bình thường, gắn bó một thời gian thì tình yêu nghề ngấm vào chị lúc nào không hay biết.
Chị kể: Rất nhiều cụ già bị đục thủy tinh thể hàng chục năm, sau khi phẫu thuật đã nhìn thấy ánh sáng, thấy con cháu, chắt trưởng thành đã rất xúc động. Việc đầu tiên là bắt con cháu phải dẫn sang cảm ơn bác sỹ Hoa. Có lẽ những kỷ niệm đáng nhớ này đã giúp chị nhanh chóng dành một tình yêu và trách nhiệm cao cả cho nghề y.
Theo chị, làm việc tại Trung tâm rất vất vả vì không chỉ đơn thuần là điều trị mà còn phải chỉ đạo tuyến, hoạt động phong trào và tổ chức đào tạo. Vì thế chị sác định phải luôn luôn cập nhật những KHKT tiến bộ. Tuy là phụ nữ, còn có vai trò làm vợ, làm mẹ nhưng chị luôn cố gắng để dành thời gian cho học tập. Năm 2003-2005, chị đã đăng ký đi học bác sỹ chuyên khoa I, khi con chị vừa được 2 tuổi.
Chị tâm sự: Đây là thời gian khó khăn nhất với mình, con được 2 tuổi thì phải cai sữa để gửi cho ông, bà ngoại. Sáng thứ 2 đi Hà Nội, chiều thứ 6 lại vội vã ra xe về với con. Những ngày nào học thì phải tận dụng tối đa thời gian trong viện để được thực hành.
Năm 2007, tổ chức OPIS đã ký hợp đồng về chương chình vì một thế giới không mù lòa với UBND Tỉnh, chị là một trong những bác sỹ đầu tiên được chọn đi đào tạo tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về mổ đục thủy tinh thể theo phương pháp Phacô. Đến nay, dần dần chị đã làm chủ được công nghệ mới và là một trong những bác sỹ chuyên khoa mắt hàng đầu của tỉnh.
Năm 2006, chị được giao trách nhiệm Phó giám đốc trung tâm phòng chống bệnh xã hội. Tuy công việc quản lý chiếm khá nhiều thời gian của chị nhưng chị vẫn xác định, phải nắm chắc hơn nữa về chuyên môn. Vì chỉ có chuyên môn vững mới có thể chỉ đạo tốt được các công việc cụ thể.
Chị Hoa tâm sự: Từ khi nhận trách nhiệm lãnh đạo tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa với công việc nhưng quỹ thời gian dành cho gia đình thì bị thu hẹp hơn. May mắn là cả nhà đều trong nghề Y nên ai cũng thông cảm và giúp đỡ để tôi hoàn thành tốt công việc của mình".
Với bác sỹ Tô Thị Hoa thì 3 vài trò "là nhà quản lý, là bác sỹ và là người phụ nữ trong gia đình" đều quan trọng. Và "nếu mình biết cân bằng và sắp sếp hợp lý thì sẽ có tác dụng bổ trợ cho nhau".
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm