Dọc theo đường liên thôn, cửa hàng dịch vụ mọc lên san sát, ngay đầu thôn đã hình thành một khu chợ nhỏ, họp cả ngày, bán đủ rau quả, thịt cá, chủ yếu cung ứng cho nhu cầu của bà con trong thôn... Nói về sự đổi thay ấy, người dân nơi đây khẳng định: Phần lớn do xuất khẩu lao động mà nên.
Đến thăm gia đình ông Đặng Văn Phán, cảm nhận của tôi đó là một gia đình khá nền nếp. Các con ông tuy không đỗ đạt cao song đều chăm chỉ, biết thương yêu, đùm bọc nhau. Trước đây, gia đình 6 miệng ăn của ông chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy, dù khéo tính toán cũng khó mà đủ ăn, nói gì đến chuyện làm giàu. Khi các con đã đến tuổi trưởng thành, ngoài nỗi lo về ăn, mặc, ông bà còn trăn trở làm gì để chúng có thể tự lập được cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo? Đúng lúc ấy, chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng và Nhà nước được nhiều người dân trong thôn, ngoài xã biết đến. Họ gặp nhau để tìm hiểu đường đi, nước bước. Nhiều gia đình đã thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng, huy động thêm anh em họ hàng quyết tâm cho con cháu đi xuất khẩu lao động, xem đây là cơ hội thoát nghèo hiệu quả nhất.
Gia đình ông Phán cũng thế, ngoài số tiền dành dụm được để sửa nhà, ông bà còn phải vay thêm 100 triệu đồng để cậu con trai cả được đi lao động tại Hàn Quốc, vì so với các thị trường khác, lao động ở đây vẫn có thu nhập cao hơn cả. Đến nay, đã hơn 3 năm, ngoài việc trả xong nợ, ông Phán đã có điều kiện sửa sang ngôi nhà cho kiên cố, khang trang, cuộc sống của cả gia đình cũng từ đó mà đỡ phần khó khăn, chật vật. Nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà Phán luôn ánh lên niềm vui. Bà kể: ở bên đó cháu vẫn thường xuyên gọi điện về, nó thương bố mẹ ở nhà vất vả, vì vậy đến vụ cấy gặt nó bảo tôi phải thuê người làm. Mỗi năm cháu gửi về nhà trên 100 triệu đồng, chúng tôi chỉ sử dụng chút ít để sửa nhà, còn để khi về nước nó sẽ quyết định lấy vợ và làm nhà ở đâu. Bà Phán cho biết thêm: Mấy tháng nay việc làm bên đó không ổn định, do đó thu nhập giảm đi phần nào, thế nhưng nó vẫn điện về và bảo sẽ gửi người quen cầm về biếu bố mẹ 1.000 USD để tiêu Tết.
Tạm biệt gia đình ông Phán, chúng tôi đến nhà ông Đặng Văn Tâm, gia đình có tới 3 người con đi lao động ở nước ngoài, hơn ai hết, ông Tâm cảm nhận rất rõ ý nghĩa của việc xuất khẩu lao động. Ông tâm sự: Vợ chồng tôi sinh được 8 người con, đến nay 6 người đã xây dựng gia đình. Trước đây, gia đình tôi luôn bị liệt vào diện hộ nghèo của xã, cũng vì nghèo nên các cháu sớm phải bươn chải, lo toan đỡ đần bố mẹ. Khi Ninh Hòa chưa có phong trào đi lao động xuất khẩu, tôi đã mạnh dạn tìm manh mối, lần lượt đưa 2 người con, 1 trai, 1 gái đi Hàn Quốc, sau đó cô con gái lấy chồng, cũng diện lao động xuất khẩu, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo… Sau 7 năm làm việc miệt mài, chăm chỉ, 2 người con của ông Tâm đã về nước, ngoài việc mua đất, xây nhà cao tầng, các con ông còn có vốn mở mang dịch vụ, đảm bảo ổn định cuộc sống. Bản thân ông Tâm cũng làm được nhà 2 tầng. Hiện nay, 1 người con trai nữa của ông cũng đã hoàn thành thủ tục chờ ngày đi lao động tại Hàn Quốc… Đang say sưa nói về chuyện làm ăn của các con, giọng ông Tâm bỗng trầm xuống. Ông nói, nếu Đảng và Nhà nước không mở ra con đường xuất khẩu lao động thì không biết bao giờ chúng tôi mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nhìn nét mặt ông, tôi hiểu ông nói thật lòng.
Về Áng Sơn hôm ấy, chúng tôi còn được gặp chị Nguyễn Thị Hợp, một người vừa từ Hàn Quốc về nghỉ phép, thăm gia đình. Có lẽ thời gian 3 năm làm việc ở nước ngoài đã khiến cho thiếu nữ nông thôn ngày nào nay có dáng dấp của một cô gái phố thị. Trong câu chuyện với chúng tôi, Hợp hào hứng kể về cuộc sống bên Hàn Quốc, từ chuyện ăn, ở, làm việc đến mối quan hệ với người dân nước sở tại. Cô cho biết: Công việc chúng cháu làm là sản xuất linh kiện ô tô nên không vất vả lắm, thời gian làm việc chỉ có 8 tiếng, nhưng chúng cháu muốn làm thêm giờ để có nhiều tiền gửi về nhà. Thời gian trước, khi chưa có khủng hoảng kinh tế thu nhập của cháu khoảng 1.000-1.200 USD/tháng, nay chỉ còn khoảng 500-600 USD, mong sao thời kỳ khó khăn này sớm chấm dứt. Khi hỏi về dự định của mình sau khi về nước, Hợp trở nên bẽn lẽn, nói: Cháu chưa có kế hoạch gì cụ thể, vì thời gian hợp đồng lao động vẫn còn, cháu phải tranh thủ làm kinh tế, phụ giúp gia đình và lo cho cuộc sống riêng sau này, bởi cháu nghĩ kiếm tiền ở bên đó dễ hơn ở quê rất nhiều, nhất là với những người đã có tay nghề như cháu.
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Hán, Bí thư chi bộ thôn, chúng tôi được biết: Áng Sơn là một vùng quê thuần nông, ngành nghề không có, do đó đời sống người dân rất khó khăn. Từ khi có chủ trương xuất khẩu lao động, Áng Sơn đã có khoảng 80 hộ cho con em đi lao động ở nước ngoài, đông nhất vẫn là Hàn Quốc, tiếp đến là Malaixia, Đài Loan…, có những hộ 2- 3 người con cùng đi. Ngay gia đình ông cũng có 1 con gái đang làm việc ở Hàn Quốc.
Hiệu quả do xuất khẩu lao động đem lại khá rõ, các hộ không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu, kéo theo đó là sản xuất, dịch vụ phát triển. Áng Sơn từ một mảnh đất nghèo nay đã trở nên trù phú. Hiện tại trong thôn vẫn còn hơn chục gia đình có con em đang chờ ngày xuất cảnh, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều gia đình nữa trở nên khá giả trong tương lai.
Trang Nhung