Nhiều hình thức cung ứng vốn cho người dân Ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trên thực tế, không phải đến nay Agribank Ninh Bình mới triển khai cho vay phục vụ đời sống mà những năm trước, chương trình cho vay này đã đạt được những kết quả khá tốt.
Thống kê của Agribank Ninh Bình cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh đã có 11.350 khách hàng còn dư nợ tín dụng cho vay phục vụ đời sống với tổng dư nợ đạt 1.921 tỷ đồng, mức lãi suất ngân hàng từ 9,5-11,5%. Trong đó, cho vay mua, thuê, xây dựng nhà ở là 5.998 khách hàng với dư nợ đạt 1.341 tỷ đồng; cho vay mua, thuê phương tiện đi lại là 811 khách hàng với dư nợ là 122 tỷ đồng; cho vay phục vụ mua sắm thiết bị gia đình là 3.272 khách hàng với dư nợ là 120 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Agribank Ninh Bình cũng đẩy mạnh việc cho vay thông qua các tổ vay vốn. Toàn tỉnh hiện có 1.424 tổ liên kết với 29.698 thành viên, tổng dư nợ thông qua tổ vay vốn đạt 3.742 tỷ đồng. Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo điều kiện trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Agribank với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh các cấp cho vay, thu hồi nợ và trả nợ ngân hàng.
Chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn ngày càng được nâng cao, hiệu quả vốn vay được các cấp hội phát huy tối đa. Thông qua tổ vay vốn, Agribank đã tạo được thế mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên. Thông qua các tổ vay vốn cũng đã tiết kiệm giảm chi phí cho ngân hàng và khách hàng.
Đồng thời giảm áp lực cho cán bộ tín dụng, thu hút hội viên tham gia, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng đã tiếp cận được xa hơn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động tại huyện miền núi Nho Quan. Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành và khách hàng trên địa bàn.
Đến hết năm 2018, tổng doanh thu đã đạt 37.547 triệu đồng. Thông qua điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân trên địa bàn có vị trí địa lý cách xa trụ sở làm việc của Ngân hàng. Giảm chi phí đi lại cho khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động của Agribank.
Tăng hạn mức cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen
Hiện nay, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, do đó nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, chính vì thế tín dụng đen có nhiều "đất" để phát triển ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng cấp trên, ngay từ đầu năm Agribank Ninh Bình đã triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn.
Ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó Giám đốc Agribank Ninh Bình cũng cho biết: Năm 2019, Agribank tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay. Với nguồn vốn này, Agribank Việt Nam chỉ đạo các chi nhánh nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, giúp người dân nắm đầy đủ chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện đi lại khó khăn, trở ngại.
Cụ thể, với gói vay này, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng, phục vụ các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình…, áp dụng lãi suất hợp lý, với thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả chương trình này, Agribank cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, rà soát, đối chiếu các khoản vay; nghiêm cấm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Để góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank phối hợp với cơ quan công an, chính quyền các cấp đấu tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của tín dụng đen đối với tín dụng ngân hàng trên địa bàn. Đối với các trường hợp vi phạm, buông lỏng quản lý, giám sát, Agribank kiên quyết xử lý.
Nguyễn Thơm