Giờ trái đất, một phong trào môi trường quan trọng của WWF, một lần nữa đoàn kết hàng triệu người trên thế giới để cùng nhau đưa ra cam kết bảo vệ hành tinh Trái đất. Ngôi nhà chung của chúng ta đang đứng trước hai mối thách thức lớn: biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Chính vì vậy, Giờ trái đất năm nay kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ tham gia vào các cuộc thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm xây dựng một tương lai bền vững và khỏe mạnh cho hành tinh và cho tất cả chúng ta.
Khởi nguồn từ một sự kiện tắt đèn biểu trưng tại thành phố Sydney năm 2007, Giờ trái đất giờ đây được tổ chức tại hơn 180 quốc gia và lãnh thổ và trở thành một khoảnh khắc của tình đoàn kết trên toàn thế giới vì trái đất. Năm ngoái, Giờ trái đất và các thông điệp của chiến dịch đã trở thành xu hướng của mạng xã hội tại ít nhất 30 quốc gia trong đêm xảy ra sự kiện. Phong trào đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt về nâng cao ý thức về khí hậu và tạo ra những hành động bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Đa dạng sinh học trên trái đất đang suy giảm ở mức chưa từng có, vì thế, Giờ trái đất sẽ tập trung nỗ lực kêu gọi hành động bảo vệ đa dạng sinh học và thiên nhiên.
Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF quốc tế nói: "Đa dạng sinh học và thiên nhiên củng cố cuộc sống, nền kinh tế, sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc của chúng ta. Đa dạng sinh học chính là nền tảng của hành tinh sống này. Ngày hôm nay, chúng ta đã đẩy hành tinh và hệ sinh thái tới mức độ giới hạn của nó và Giờ trái đất mang lại cho chúng ta một cơ hội sử dụng sức mạnh của mình để thực hiện các hành động bảo vệ mạng lưới sự sống nhằm đáp lại những gì hành tinh này đã cho chúng ta. Vì lợi ích của tất cả sự sống trên trái đất và vì chính tương lai của chúng ta."
Trong thập kỷ qua, Giờ trái đất đã truyền cảm hứng tới hàng triệu người ủng hộ và tham gia vào các dự án bảo tồn và khí hậu quan trọng, được thực hiện bởi WWF và rất nhiều cá nhân và tổ chức khác. Các dự án đã thúc đẩy sự ra đời các chính sách mới về khí hậu, nâng cao nhận thức và hành động. Những thành công điển hình có thể kể tới đó là một khu bảo tồn biển rộng 3.4 triệu héc-ta đã được thành lập tại Argentina, một khu rừng Giờ trái đất rộng 2.700 héc-ta đã được trồng tại Uganda và một luật mới về bảo vệ rừng và biển đã được thông qua tại Nga.
Tại Việt Nam, Giờ trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 với sự ủng hộ và hưởng ứng sâu rộng của chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Từ chỉ 6 thành phố tham gia năm 2009, tới nay chiến dịch đã được Bộ Công thương tổ chức hàng năm với sự hưởng ứng của 63 tỉnh thành. Các thành phố cũng không chỉ dừng lại ở cam kết nâng cao nhận thức mà đã có những hành động cụ thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2016, thành phố Huế đã cam kết cắt giảm khí phát thải nhà kính của thành phố xuống 20% vào năm 2020 so với mức phát thải năm 2011. Với những kế hoạch hành động cụ thể, thành phố đã được WWF Quốc tế công nhận là Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục có thêm sự cam kết của ba thành phố miền Trung: Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính của thành phố.
Để hưởng ứng Giờ Trái đất, trên khắp cả nước sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện. Trong đó, sự kiện chính của Hà Nội diễn ra ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám từ 20 giờ tối nay và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1.
Theo Báo Nhân dân