Đối với người trồng đào, 1 năm chỉ trông chờ vào duy nhất một vụ Tết. Thành bại phụ thuộc vào việc có điều chỉnh được cây đào ra hoa đẹp nhất khi Tết đến hay không. Bởi vậy, bà con phải cực kỳ thận trọng, tỉ mỉ, căn ke từng ngày, từng giờ mỗi biến chuyển về nhiệt độ, độ ẩm để quyết định biện pháp xử lý cho phù hợp. Trong đó, tuốt lá là một trong những công đoạn quan trọng nhất. Theo chia sẻ của những người làm vườn, thời điểm thích hợp nhất để tuốt lá là trước Tết khoảng trên dưới 45 ngày. Chớp thời cơ "vàng" này, nên hiện tại các vườn đào ở Đông Sơn, bà con đều quên ăn, quên ngủ, dành cả ngày để tuốt lá.
Anh Nguyễn Văn Toản, thôn 5, xã Đông Sơn, chia sẻ: Năm nay mùa Đông đến quá muộn, nắng quá nhiều. Hơn nữa thông thường như mọi năm, tiết lập Xuân sẽ rơi vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán nhưng năm nay qua Tết, tới tận ngày 14/1/2023 âm lịch mới lập Xuân. Do vậy, nhìn chung, năm nay làm đào khó hơn mọi năm. Minh chứng là vừa qua, nhà nào tuốt lá sớm, cây bị bật lộc hết rồi, tới đây phải mất công tuốt lá lại một lần nữa.
Tuy nhiên, anh Toản khẳng định, với những nhà vườn đã có kinh nghiệm lâu năm, họ vẫn có nhiều biện pháp để xử lý như: phủ nilon, thắp điện, siết hoặc tăng nước, sử dụng các loại phân bón phù hợp... để có đào đẹp bán vào dịp Tết. Được biết, năm nay, gia đình anh Toản có khoảng 300 sản phẩm đào gốc, đào thế và 200 sản phẩm đào cắt cành để xuất bán ra thị trường. Mức giá thì tùy thuộc vào độ tuổi, thế cây, số lượng, chất lượng hoa, có phân khúc 2-3 triệu đồng/cành/cây, có phân khúc 8-10 triệu đồng/cây.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân tại "thủ phủ" đào phai Đông Sơn, thời điểm đầu tháng 12 âm lịch, khi cây có hoa, có nụ, thị trường đào mới trở nên sôi động. Tuy nhiên, với diễn biến thất thường của thời tiết năm nay, họ vừa tất bật chăm sóc đào vừa thấp thỏm trông chờ "ông trời".
Ông Ninh Tiến Dung, chủ một vườn đào tại thôn 7 tâm sự: Nghề trồng đào như đánh bạc với thời tiết, ông trời ủng hộ thì thắng, không thì tốn công, tốn sức vẫn "công cốc". Cũng theo ông Dung, hai cái Tết năm 2021, 2022, do dịch COVID - 19 nên hầu hết các vườn đào đều "ế", chỉ bán được khoảng 1/3-1/4 số đào thành phẩm, trong khi đó giá lại rẻ, người trồng đào bị thiệt hại nặng nề. Năm nay, hết dịch COVID - 19 rồi, các hoạt động kinh tế, giao thương đã trở lại bình thường, các nhà vườn đều rất kỳ vọng vào sức bật của thị trường. Do vậy, bằng nhiều cách, những người trồng đào như ông sẽ bám sát diễn biến của thời tiết, tăng cường chăm sóc, uốn nắn, cắt tỉa để đảm bảo cây đào ra hoa đẹp nhất khi Tết đến, Xuân về, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, cũng như gỡ gạc lại vốn sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh vừa qua.
Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp nổi tiếng với nghề truyền thống trồng đào phai từ 30-40 năm trước. Không giống đào ở các vùng khác, đào phai trồng tại đây có vẻ đẹp rất tự nhiên, cành lá thanh thoát, nhiều lộc, cánh hoa to, dày, màu phớt hồng nên được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích, lựa chọn để chơi Tết. Hiện nay, toàn xã có 10 làng nghề trồng đào phai với hơn 1.000 hộ trồng đào, tổng diện tích hơn 150 ha. Ngoài hoa đào chơi Tết, hiện nay, người dân nơi đây còn phát triển thêm sản phẩm rượu ngâm quả đào, đã được cấp chứng nhận OCOP.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu